Cạn kiệt khoáng sản, thu ngân sách vẫn thấp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khai thác tận kiệt với công nghệ lạc hậu

Theo TS Nguyễn Thành Sơn – Cty New Technology Solution, công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam hiện nay rất lạc hậu. Đơn cử như việc khai thác vàng “tiên tiến nhất” ở Thái Nguyên đang sử dụng công nghệ đãi vàng nhập từ Trung Quốc (TQ) gây tổn thất lên tới 70%. Hay Nhà máy tuyển quặng Đồng Sin Quyền được quảng cáo với cụm bơm “an toàn hàng đầu” cũng nhập khẩu công nghệ từ TQ tạo ra sản phẩm có hàm lượng đồng thấp. 

Theo đó, hiệu quả ngành khoáng sản rất thấp, hiện nay mức đầu tư cho ngành này đang đứng thứ 5 nhưng hiệu quả lại xếp thứ… 8. Chưa kể hàng loạt điểm khai thác xâm hại môi trường nghiêm trọng như tại dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng), bùn đỏ đang làm chết cá; dự án DAP của Lào Cai, mỗi tấn sản phẩm cũng xả ra môi trường 4 tấn chất thải.

Bà Trần Thanh Thủy – điều phối viên Liên minh Khoáng sản VN – cảnh báo, với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Cụ thể theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí chỉ còn là 56 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.

Khó quản lý thu vì… hoạt động trái phép!

Năm 2012, Bộ TNMT kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp và kết quả cho thấy 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật. Theo GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, câu chuyện cấp phép liên quan đến bài toán tiền tệ hóa tài nguyên khoáng sản (TNKS). Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hoàn toàn mảng tài chính khoáng sản khi chỉ có quy định về đấu giá nhưng không có định giá. 

Chính việc chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và thất thoát TNKS quốc gia. TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư – cho rằng, hiện nay thuế ở Việt Nam được đánh giá là cao và đang tạo gánh nặng đè lên doanh nghiệp. Gần đây, biểu thuế tài nguyên tiếp tục được tăng đối với hầu hết các loại khoáng sản như sắt, titan, vàng và than. Tuy nhiên, vấn đề khó được đặt ra là thu và quản lý thu như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế – lý giải, hiện nay, thuế tài nguyên được thu trên sản lượng và giá tính thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ có thể quyết toán theo hóa đơn. Việc giám sát sản lượng là rất khó khăn. Điều đáng nói, số thu từ thuế tài nguyên lại rất thấp, thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ chiếm 0,9% tổng thu ngân sách vào năm 2012, 0,8% vào năm 2013 và 1,25% vào năm 2014. 

“Mặt khác, sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa TQ và Việt Nam cho thấy thất thu ngân sách lớn, đặc biệt là thất thu từ TNKS. Để quản lý hoạt động này, cơ quan thuế cần có nhiều thông tin hơn và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các sở TNMT. Tuy nhiên, sự kết nối hiện nay rất lỏng lẻo” – bà Cúc nhận định.

Trước nghịch lý trên, các chuyên gia đều đồng thuận với phương án Việt Nam cần tham gia tích cực vào tiến trình thực thi sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác EITI. Nguyên tắc của sáng kiến EITI rất đơn giản là công khai một số thông tin liên quan đến hoạt động khai khoáng trong báo cáo EITI với sự giám sát của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Điều đáng nói là, Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này, tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét, vấn đề cam kết thực thi EITI vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Nguồn: Báo Điện tử Lao động