Cần phân định trách nhiệm rõ ràng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hai bộ cùng quản lý

Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ quyết định để Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp có thể thay đổi nhưng cơ bản giữ nguyên quy định về cơ quan quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Và quy định này lại một lần nữa tạo ra những ý kiến trái chiều… Có thể thấy, khó khăn trong phối hợp quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã nảy sinh từ Luật Giáo dục 2005 nhưng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, sự phân khúc, chồng chéo rõ hơn. Cụ thể, từ cấp mầm non đến giáo dục phổ thông và từ giáo dục đại học đến sau đại học do Bộ GD – ĐT quản lý, nhưng cắt khúc từ bậc trung cấp đến cao đẳng lại thuộc Bộ GD – ĐT phối hợp với Bộ LĐ, TB và XH quản lý. Ngoài ra, trong Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ LĐ, TB và XH chủ trì, phối hợp với Bộ GD – ĐT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; đồng thời chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân cho rằng, tiêu chuẩn kỹ năng nghề từ trước đến nay đều do Bộ LĐ, TB và XH chịu trách nhiệm tổ chức cho các bộ, ngành xây dựng và ban hành, nên giao Bộ LĐ, TB và XH chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 là đúng. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD – ĐT Hoàng Ngọc Vinh băn khoăn, nếu đúng Bộ LĐ, TB và XH là nơi nắm rõ nhất các tiêu chuẩn, kỹ năng nghề cần thiết cho người lao động, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tại sao các doanh nghiệp FDI như Samsung lại không mặn mà tuyển lao động từ các trường nghề, mà có đến 90% tuyển lao động tốt nghiệp trung học phổ thông? Lấy kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh, muốn đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động thì không chỉ có vai trò của cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà rất cần sự tham gia của cả doanh nghiệp. Chỉ có người sử dụng lao động mới thực sự hiểu đâu là tiêu chuẩn, kỹ năng cần thiết đối với người lao động.

Có thể thấy, quy định phối hợp quản lý làm xuất hiện những bất cập trong phân luồng giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu vào là học sinh phổ thông nên chỉ cần có sự không thống nhất giữa cơ quan quản lý giáo dục phổ thông là Bộ GD – ĐT và cơ quan đồng quản lý giáo dục nghề nghiệp là Bộ LĐ, TB và XH thì khó có thể đưa ra được dự báo về đào tạo liên thông và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Điều này có thể gây mất cân đối về cơ cấu trình độ lao động từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đồng thời gián tiếp tách giáo dục nghề nghiệp khỏi hệ thống giáo dục quốc dân – dòng chảy tất yếu của giáo dục đào tạo.

Không nên tách khỏi hệ thống giáo dục quốc dân

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thống nhất trung cấp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề là điều kiện tiên quyết để hợp nhất quá trình quản lý chất lượng giáo dục nghề với khung tham chiếu các trình độ nghề ASEAN khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục quốc dân xưa nay vẫn được hiểu là hệ thống giáo dục đào tạo bao gồm các cấp: mẫu giáo – tiểu học – trung học cơ sở – trung học phổ thông – cao đẳng – đại học – sau đại học. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó dạy nghề có các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Nhưng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, giáo dục nghề nghiệp được quy định bao gồm trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Cụ thể là trung cấp chuyên nghiệp trước thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và cao đẳng nghề trước thuộc hệ thống dạy nghề sẽ thống nhất thành trường trung cấp và chuyển sang hẳn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tương tự với bậc cao đẳng. Như vậy, so với Luật Giáo dục 2005, trình độ trung cấp, cao đẳng nói riêng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung đang bị tách khỏi hệ thống giáo dục quốc dân.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng, kể cả giáo dục đại học cũng chính là giáo dục nghề nghiệp. Bởi giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều chung mục tiêu đào tạo nhân lực, chỉ có cách giáo dục và đào tạo khác nhau. Nếu giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực lý thuyết (hệ thống hàn lâm) thì giáo dục nghề nghiệp chú trọng đào tạo nhân lực có kỹ thuật thành thạo, năng lực thực hành nghề tương xứng. Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực nặng về thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề để khi ra làm việc, sinh viên sẽ trở thành lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đặt câu hỏi, có hợp lý hay không nếu tách hẳn giáo dục nghề nghiệp khỏi hệ thống giáo dục? Đối với cao đẳng sư phạm là hệ đào tạo mang tính chất giáo dục rất cao, gắn liền với giáo dục phổ thông mà đưa về Bộ LĐ, TB và XH quản lý thì có hợp lý không? Chưa kể, việc này còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người học về mặt bằng cấp. Theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng đối với những nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành, đối với những nghề không phải kỹ thuật công nghệ, sẽ được công nhận là cử nhân thực hành. Vậy, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, người học nhận được tấm bằng cử nhân thực hành, một tấm bằng mang tính kỹ thuật như vậy có ổn không? Qua đó có thể thấy, giống như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không nên tách rời hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Một số chuyên gia cho rằng, nếu vẫn để Bộ GD – ĐT phối hợp với Bộ LĐ, TB và XH quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ cần có sự phân định chức năng cụ thể đối với từng cơ quan, tránh gây chồng chéo về quản lý, gián tiếp làm chia cắt dòng chảy tất yếu của giáo dục đào tạo.

 Phân công rõ trách nhiệm từng bộ

Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ GD – ĐT, Bộ LĐ, TB và XH cùng phối hợp quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tôi cho rằng nếu đã quyết định giao quản lý như vậy thì cần có sự phân công rõ ràng. Chẳng hạn đối với hệ cao đẳng chuyên nghiệp, sau khi gộp với hệ cao đẳng nghề về cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, nên nhấn mạnh giao Bộ GD – ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ, TB và XH. Vì hệ cao đẳng là hệ giáo dục đào tạo chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự phân luồng học sinh trung học phổ thông, nếu để Bộ LĐ, TB và XH quản lý thì rất khó đưa ra dự báo đào tạo lao động tương lai. Chưa kể đào tạo hệ cao đẳng, nhất là đối với ngành sư phạm là đào tạo chuyên môn, không chỉ đơn thuần là kỹ năng nghề như chức năng Bộ LĐ, TB và XH làm trước nay. Hay như đối với đào tạo ngắn hạn để nâng cao tay nghề thì đương nhiên nên để cơ quan xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn kỹ năng nghề là Bộ LĐ, TB và XH chủ trì quản lý, có sự phối hợp với Bộ GD – ĐT. Đặc biệt, hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN thời gian tới, người lao động phải cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, không có sự ưu ái cho bất kỳ ai, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo rõ ràng, quy định trách nhiệm từng mảng từng bộ để chuyên môn hóa việc đào tạo, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho người lao động.

Nguyễn Thị An (ĐBQH TP Hà Nội)

Khó liên thông bằng cấp

Cá nhân tôi không đồng tình với việc giữ nguyên hai cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý giáo dục nghề nghiệp, chỉ nên để một bộ quản lý, mà ở đây là Bộ GD – ĐT. Nói như vậy là vì từ trước đến nay, Bộ GD – ĐT vẫn đang quản lý rất tốt hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả trung cấp, cao đẳng, cớ sao bây giờ lại cắt hẳn phân khúc này sang giáo dục nghề nghiệp và để Bộ LĐ, TB và XH phối hợp quản lý? Nhìn vào thực tế, các trường trung cấp hay cao đẳng do Bộ GD – ĐT quản lý rất đông người học, đào tạo bài bản, còn hệ sơ cấp và cao đẳng nghề của Bộ LĐ, TB và XH, thì cơ sở vật chất hoành tráng nhưng số người học lại rất ít, tỷ lệ lao động được nhận vào các doanh nghiệp cũng rất thấp. Vậy tại sao không giao luôn giáo dục nghề nghiệp cho Bộ GD – ĐT quản lý, vừa chuyên môn vừa bài bản, vừa có thể đào tạo giáo dục nghề nghiệp vừa quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Như bây giờ, nếu một người học sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng nghề là giáo dục nghề nghiệp, sau đó muốn học tiếp lên đại học là giáo dục chuyên nghiệp thì rất khó cho Bộ GD – ĐT trong quá trình liên thông bằng cấp và chịu ảnh hưởng trực tiếp là người học, người lao động trong tương lai.

Nguyễn Thị Bích Nhiệm (ĐBQH tỉnh Yên Bái)

Phan Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân