Cần sớm xác lập cơ sở pháp lý cho việc tái cấu trúc nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Chủ đề tái cấu trúc nền kinh tế hiện đang khá nóng trên diễn đàn của các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia kinh tế. Dưới góc độ của một nhà lập pháp, Phó chủ nhiệm nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Hiện nay theo tôi được biết thì có khá nhiều quan điểm khác nhau của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế vĩ mô về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế nhưng hầu như chưa có quan điểm thống nhất. Có ý kiến cho rằng, tái cấu trúc nên bắt đầu từ yếu tố con người. Có ý kiến lại cho rằng nên bắt đầu từ việc tái cấu trúc bộ máy Chính phủ… Tôi có cảm giác ý kiến của các chuyên gia hiện nay đang tách việc tái cấu trúc nền kinh tế ra khỏi mục tiêu chung đến năm 2020 sẽ cơ bản đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế không thể tách rời Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Cần nói thêm là, nhận thức về tái cấu trúc nền kinh tế là cả một quá trình. Ngay bản thân Chính phủ cũng không phải ngay lập tức đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vấn đề này, không phải ngay lập tức đã hình dung được tái cấu trúc là như thế nào. Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XII, một số ĐBQH bắt đầu bàn đến vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng đến Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII, đề xuất về tái cấu trúc nền kinh tế mới được chấp nhận. Sau đó, Chính phủ mới giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Đề án để trình QH. Tháng 1.2011, chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Đến tháng 7, Thủ tướng có bài viết đăng tải trên Báo Nhân dân để định hướng tái cấu trúc nền kinh tế. Từ Nghị quyết của Đại hội Đảng cho đến khi Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ triển khai đã mất 6 tháng. Nói như vậy để thấy rằng, tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề rất lớn chứ không đơn giản như một số quan niệm hiện nay.

Tái cấu trúc hay điều chỉnh cơ cấu kinh tế hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế – dù sử dụng danh từ nào để gọi tên quá trình vận động của nền kinh tế nước ta đáp ứng mục tiêu phát triển đều không quan trọng. Điều quan trọng là cần xác định rõ, mục tiêu của chúng ta không thay đổi, từ đó cần xác định phương thức thực hiện mục tiêu trong từng giai đoạn cho phù hợp. Ví dụ, những năm kháng chiến chống Mỹ, một người muốn vào giải phóng miền Nam, tức mục tiêu cuối cùng là giải phóng miền Nam thì mới xác định được là đi bộ, đi xe ô tô hay là đi bằng tàu không số… Cách đi như thế nào là tùy thuộc vào từng điều kiện phát triển cụ thể của nền kinh tế.

– Vậy trong điều kiện cụ thể hiện nay của nền kinh tế, theo Phó chủ nhiệm cần có những bước đi như thế nào cho phù hợp?

Tái cấu trúc nền kinh tế phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy về phát triển kinh tế và tư duy đó phải vượt ra ngoài tư duy hành chính. Trong một nhà nước pháp quyền thì sự thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế phải bắt đầu từ QH. QH phải thực sự mạnh mẽ để xây dựng được hệ thống các đạo luật khả thi và xây dựng được các thước đo rõ ràng, mạch lạc để đánh giá được điều hành của Chính phủ.

Điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta yếu. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta không thể phát triển nếu tách rời với nền kinh tế thế giới. Tái cấu trúc nền kinh tế phải bảo đảm để nước ta tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ năm 2007 đến nay, mặc dù đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong vấn đề này. Muốn làm được điều này thì trước hết cần chấm dứt cách tư duy cho rằng tỉnh nào cũng phải đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. Phải chấp nhận  có tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp bằng 0 nhưng có thể phát triển dịch vụ và nông nghiệp để bảo toàn đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Nếu cứ máy móc theo kiểu mỗi địa phương lại có một nền kinh tế, cả nước có 64 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP riêng, các chỉ tiêu phát triển KT-XH riêng thì vừa cực kỳ lãng phí nguồn lực lại vừa không thể phát triển được.

– Hiện nay có khá nhiều quan điểm khác nhau về mô hình tái cấu trúc nền kinh tế. Theo Phó chủ nhiệm, mô hình như thế nào sẽ phù hợp với thực tế của chúng ta?

Hiện đang có 3 mô hình tái cấu trúc. Tái cấu trúc theo kiểu cắt dọc, tức là từ Chính phủ tái cơ cấu đến ngành rồi từ ngành tái cơ cấu đến các tổng công ty, các địa phương có ngành sản xuất đó. Ví dụ ngành thép thì Bộ Tài chính sẽ ưu đãi về thuế, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu đãi về phí nước thải và phí sử dụng nước để làm nguội thép; địa phương sẽ ưu đãi về quyền sử dụng đất và thuế sử dụng đất; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ưu đãi về chính sách nộp thuế vì sử dụng lao động không qua đào tạo. Tái cấu trúc  theo kiểu cắt ngang tức là từng địa phương quy hoạch theo định hướng của Nhà nước về liên kết vùng. Tức là ở địa phương này, Nhà nước chỉ cho phát triển ngành dệt, máy may còn những doanh nghiệp nào muốn đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản, điện tử… thì sang tỉnh khác. Tái cơ cấu theo kiểu phân quyền và phân giao trách nhiệm (kiểu xiên xiên) là, QH và Chính phủ chỉ cấp vốn đầu tư còn ông muốn làm gì thì làm miễn là bảo đảm hiệu quả; các bộ ngành và địa phương phải tự bàn bạc và thỏa thuận với nhau, sau đó mới chia vốn cho tỉnh này mấy tỷ, công ty kia mấy tỷ… Dù theo cách nào đi nữa thì cũng cần thống nhất được mô hình tăng trưởng của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước. Xét điều kiện thực tế của nền kinh tế nước ta thì cả 3 mô hình này đều có những điểm phù hợp. Vấn đề là phân giao nhiệm vụ tái cơ cấu ở từng cấp như thế nào… Yêu cầu của tái cơ cấu là phải vừa đổi mới mô hình tăng trưởng vừa bám sát với các điều kiện thực tiễn. Phải bắt đầu tái cơ cấu từ những cái mà chúng ta có, những cái mà chúng ta đang nắm chắc trong tay. Ở tầm QH, tái cơ cấu cần bắt đầu từ việc xác định lại các tiêu chí phân bổ nguồn lực công cho hiệu quả hơn. Ở Chính phủ là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Toàn bộ hệ thống chính sách phát triển trong 5 năm tới cần được thiết kế theo hướng này.

– Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ được trình QH cho ý kiến. Theo quan điểm của Phó chủ nhiệm, QH nên xác lập cơ sở pháp lý cho việc tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào?

Cơ sở pháp lý cao nhất là trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp tới, QH cần quy định rõ việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cần xác định rõ, Chính phủ của chúng ta là Chính phủ sản xuất hay là Chính phủ phục vụ dịch vụ công. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, Chính phủ là Chính phủ sản xuất. Nhưng trong nền kinh tế thị trường thì Chính phủ là Chính phủ dịch vụ công. Nhưng chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì hàm lượng Chính phủ sản xuất là bao nhiêu, hàm lượng Chính phủ dịch vụ công là bao nhiêu? Trong bối cảnh cụ thể hiện nay thì tác động của Nhà nước vào nền kinh tế chiếm bao nhiêu phần trăm? Cần sớm cụ thể hóa những vấn đề này vào Hiến pháp trên cơ sở Cương lĩnh năm 2011 của Đảng, vì đây là những yếu tố quan trọng nhất để tái cấu trúc nền kinh tế.

Chính phủ hiện nay vừa là đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp nhà nước và quản lý các tài nguyên khoáng sản, hầm mỏ, nhà máy… tức là tài sản toàn dân. Nhưng Chính phủ vẫn phải thực hiện chức năng bẩm sinh là điều hành nhà nước. Chính phủ với tư cách là người điều hành phải phụ thuộc vào QH trong việc ban hành thể chế. Nếu QH không ban hành thể chế cho Chính phủ làm việc thì việc điều hành của Chính phủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì Chính phủ không thể tự quyết định là tôi ưu tiên ngành dệt may chứ không phải là các ngành nghề khác được.

QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH cần nghiên cứu thật kỹ Cương lĩnh năm 2011 để chuyển tải vào Hiến pháp sửa đổi và sau đó là chuyển tải vào các đạo luật cụ thể. Việc xây dựng các đạo luật cần đặt vào bối cảnh chung chứ không phải như hiện nay, mỗi cơ quan soạn thảo luật lại hướng đến mục tiêu quản lý tốt nhất mọi diễn biến trong ngành mình để khi QH hỏi đến, Chính phủ hỏi đến là có thể trả lời được ngay. Nhưng việc phân định quá rõ ràng ranh giới quản lý trong khi sự việc ngoài xã hội không bao giờ có ranh giới rạch ròi như thế đã làm hạn chế không gian điều hành chung. Cần nhìn nền kinh tế theo quan điểm của toán học hiện đại tức là nền kinh tế là một tập mở, Nhà nước quy định rằng khi anh đủ các điều kiện này thì được tham gia vào tập đó; còn trong tập đó có thể có những diễn biến khác, Nhà nước tôn trọng những quy luật vận động tự do ấy và chỉ điều chỉnh, khống chế bằng những phương pháp nhất định.

– Phó chủ nhiệm cho rằng, tái cơ cấu ở tầm của QH nên bắt đầu bằng việc xác định lại các tiêu chí phân bổ nguồn lực công. Việc này có thể làm ngay tại Kỳ họp thứ Hai tới hay không?

Nếu QH xác định lại các tiêu chí phân bổ nguồn lực công ngay tại Kỳ họp thứ Hai tới là điều quá tốt. Còn nếu chưa thông qua được thì cá nhân tôi đề nghị tại Kỳ họp tới, QH cũng cần thống nhất đánh giá xem tiêu chí phân bổ nguồn lực công hiện nay có còn hợp lý nữa hay không? Phân theo dân số như hiện nay có hợp lý nữa không hay cần khẳng định chỉ phân bổ nguồn lực công về an sinh xã hội, y tế, giáo dục và bộ máy quản lý trên tiêu chí dân số. Còn phần phát triển đầu tư sẽ phải có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chung của cả nước. QH Khóa XII đã giao Ủy ban Tài chính và Ngân sách chủ trì việc nghiên cứu, sửa đổi các tiêu chí phân bổ nguồn lực công. Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính và Ngân sách vì trên cơ sở mô hình tăng trưởng kinh tế được QH thông qua thì sẽ hình thành được cơ cấu phân bổ nguồn lực công.

– Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề rất lớn. Cuộc sống đặt ra cho QH, nếu QH không thảo luận, không thông qua được sớm thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Tái cơ cấu nền kinh tế không còn là ý muốn chủ quan của cơ quan nào nữa mà đó là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, là trách nhiệm của QH, Chính phủ trước Đảng và nhân dân.

Đề án tái cấu trúc nền kinh tế do Chính phủ xây dựng nhưng QH chịu trách nhiệm. Khi Chính phủ trình QH Đề án này thì các cơ quan của QH và các ĐBQH cần hỏi ngay tiền ở đâu? Bởi vì thực tế vừa qua, chúng ta đã có nhiều dự án rất được lòng dân nhưng đầu voi đuôi chuột vì không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Phạm Thúy thực hiện
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân