Cần thay đổi nhận thức về quyền khiếu nại và trách nhiệm giải quyết khiếu nại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tế, có không ít cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu, giải quyết khiếu nại nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về quyền khiếu nại của công dân, dẫn đến tâm lý thiếu thiện cảm đối với những người khiếu nại. Thậm chí có người còn quan niệm những người khiếu nại có tư tưởng đấu tranh, chống đối chính quyền. Do vậy, họ tìm cách lẩn tránh trách nhiệm giải quyết, hoặc giải quyết mang tính chất đối phó, cho xong việc. Tâm lý đó tác động đến tinh thần trách nhiệm, không ít cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại không chú tâm nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan, dẫn đến những sai sót, thiếu khách quan trong quá trình giải quyết. Điều này làm cho người dân thêm bức xúc, gửi đơn khiếu nại vượt cấp, dai dẳng khiến tình hình thêm rối ren, phức tạp.

Thực tế cho thấy, giải quyết khiếu nại không đúng, thiếu khách quan, người khiếu nại sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi. Do đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền khiếu nại, gây mất thời gian và tốn kém cho nhân dân mà còn làm mất niềm tin vào chính quyền; mất thời gian, công sức, chi phí của các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc tiếp dân, hướng dẫn, xử lý chuyển đơn, kiểm tra xác minh để giải quyết khiếu nại lần hai. Như vậy, việc thiếu quan tâm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại sẽ tự làm khó cho chính các cơ quan nhà nước và gây phức tạp trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.

Trên thực tế, khiếu nại chỉ có thể xảy ra một trong hai trường hợp. Thứ nhất là khiếu nại có căn cứ. Điều này đồng nghĩa với việc quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại được ban hành, thực hiện trái với các quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, việc giải quyết khiếu nại một cách khách quan, do nhận thấy được, khắc phục được sai sót không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người khiếu nại mà còn giúp cho cán bộ, công chức rút ra nhiều kinh nghiệm thực hiện công vụ, qua đó góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh. Thứ hai, việc khiếu nại không có căn cứ – có nghĩa là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại hoàn toàn hợp pháp. Nguyên nhân phát sinh khiếu nại trong trường hợp này có thể do trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật, hoặc do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Trong trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính hoàn toàn hợp pháp nhưng do nhận thức và hiểu biết pháp luật hạn chế nên người khiếu nại ngộ nhận về tính trái pháp luật của quyết định hành chính, hành vi hành chính nên đã khiếu nại thì quá trình giải quyết khiếu nại phải chú trọng đối thoại nhằm giải thích cho người khiếu nại rõ các quy định của pháp luật, để họ tự nguyện rút khiếu nại, hoặc chấp nhận kết quả giải quyết khiếu nại; góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, hạn chế khiếu nại thiếu căn cứ. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi những người tham mưu, giải quyết khiếu nại phải có thái độ cởi mở, nhiệt tình, đưa ra được những căn cứ pháp lý cụ thể, lập luận chặt chẽ, thuyết phục để chứng minh căn cứ và tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Không ít trường hợp phát sinh việc khiếu nại là do ý thức chấp hành pháp luật của một số công dân còn kém. Mặc dù biết rõ việc việc khiếu nại không có căn cứ nhưng vẫn cố tình khiếu nại gây khó khăn, phức tạp cho các cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, việc giải quyết một cách thận trọng, chặt chẽ, rõ ràng, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục để tránh sơ hở, sai sót sẽ không có cớ cho các đối tượng xấu lợi dụng xúi giục, bêu xấu chính quyền.

Trong xu thế mở rộng và phát triển nền dân chủ xã hội, một mặt bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, mặt khác nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và uy tín của chính quyền các cấp, đòi hỏi phải từng bước nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc thực hiện quyền khiếu nại và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại thì yếu tố quyết định là phải thay đổi nhận thức về quyền khiếu nại và bảo đảm quyền khiếu nại của công dân.

Phạm Thái
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân