Cần trao quyền xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, nếu cho xuất khẩu gạo tự do, nông dân sẽ có lợi vì các DN sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn trong việc mua lúa gạo.

Ông Trương Văn Ảnh, giám đốc công ty lương thực Long An nói, từng có thời kỳ DN được xuất khẩu gạo tự do.

Nhưng rồi, để đảm bảo an ninh lương thực, Nhà nước chuyển sang cơ chế điều hành bắt buộc: xuất khẩu theo đầu mối có hạn ngạch quota, xuất theo đầu mối có chỉ định, rồi ban Điều hành xuất khẩu gạo. Ông Ảnh bình luận: cơ chế này chỉ phù hợp trong điều kiện thị trường thế giới và trong nước ổn định, không có biến động giá.

“Từ đầu 2008 đến nay, giá gạo thế giới luôn biến động lên xuống theo khủng hoảng tài chính, có những tuần, giá gạo tăng giảm thất thường. Những thông tin này chỉ có DN nắm chính xác, biết rõ lúc nào nên xuất có lời, lúc nào ngưng”, ông Ảnh nói.

Tuy nhiên, cũng chỉ vì do cơ chế điều hành xuất khẩu kiểu “xin – cho”, khiến DN vụt mất cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, giải phóng hàng tồn kho.

Nhiều DN cho rằng, cung cách điều hành xuất khẩu gạo hiện nay thực ra quyền hạn chỉ nằm trong tay một số ít DN nhà nước. DN tư nhân mới chỉ tham gia xuất khẩu gạo với số lượng rất nhỏ, dù ở ĐBSCL có tới hàng trăm DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực mua, xay xát lúa gạo.

Đây là một nghịch lý, bởi hiện nay, các thương lái, DN tư nhân đang mua tới 90% lượng lúa gạo hàng hoá, và cung ứng tới 70% lượng gạo thành phẩm xuất khẩu cho các DN nhà nước, nhưng lại không trực tiếp làm ăn với khách hàng nước ngoài.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 5 triệu tấn gạo, nhưng số hợp đồng thương mại do DN tự đàm phán chiếm tỷ lệ khá nhỏ, còn lại vẫn do các công ty lương thực nhà nước đứng ra ký hợp đồng theo quan hệ cấp Chính phủ, sau đó phân bổ chỉ tiêu cho các công ty lương thực địa phương.

Tình trạng này dẫn đến việc thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam quanh quẩn chỉ có châu Á, Cuba, và một ít nước ở Trung Đông.

Nhiều DN ỷ lại chỉ tiêu phân bổ xuất khẩu hàng năm, không tích cực tìm kiếm thị trường, trong khi đó DN Thái Lan đã đầu tư nhà máy đánh bóng gạo tại châu Âu, đưa gạo sang chế biến và xuất trực tiếp.

Người Thái cũng đã đặt nhiều văn phòng tại châu Phi bán gạo. Còn DN Việt Nam ngồi nhà chờ “thượng đế” đến mua gạo – trường hợp các DN châu Phi vừa qua tới Việt Nam với mong muốn được mua gạo trực tiếp là một ví dụ.

Chính vì vậy, theo nhiều DN, trong năm 2009, nếu bỏ cơ chế “xin – cho”, cho phép các DN được xuất khẩu gạo tự do, không cần phải đăng ký với hiệp hội lương thực, chắc chắn sẽ có không ít nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền vốn vào lĩnh vực xuất khẩu gạo. Khi ấy, nếu xuất khẩu có lợi, cả Nhà nước, DN và nông dân đều hưởng lợi.

Và điều quan trọng nhất, việc tạo ra một thị trường xuất khẩu gạo tự do sẽ giúp cho việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân tốt hơn, nông dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn do các khâu mua, cung ứng trung gian được giảm đi đáng kể.

Theo Hoàng Bảy
Nguồn: SGTT