Cảnh báo mới với doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chia sẻ nhận định trên nhưng chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng khuyên các DN tham dự hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế” tổ chức hôm 4/7 tại Hà Nội phải thận trọng với diễn biến kinh tế.

Tiễn hỗ trợ đang quay lại ngân hàng

Nói về gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động với kết quả giải ngân hơn 370 nghìn tỷ đồng sau 5 tháng triển khai, ông Thành cho rằng nếu số tiền cho vay kích cầu được chuyển hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì dư nợ tín dụng phải tăng lên 30%. Tuy nhiên theo báo cáo, dư nợ tín dụng thực tế chỉ tăng 17% (tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2008 là 1,2 triệu tỷ đồng). Điều này chứng tỏ phần lớn tiền đã quay ngược lại ngân hàng, dưới hình thức phổ biến là đảo nợ. Vì với thời hạn cho vay là 8 tháng thì khó có DN nào đủ thời gian mua nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu tiền bán hàng kịp để trả nợ theo hợp đồng.

Phần còn lại, một lượng lớn đã và đang được đầu tư vào thị trường chứng khoán để lướt sóng và kiếm lời ngắn hạn. Do đó, đã tạo nên tác động “tốt” trên thị trường chứng khoán trong những tháng vừa qua. Ông Thành dự báo “bong bóng” chứng khoán sẽ tiếp diễn trong thời gian tới rồi “xì” hoặc “nổ”. Nguyên do là thực chất tình hình kinh tế vĩ mô chưa phát triển đến mức tạo nên nền tảng hỗ trợ cho giá cổ phiếu đồng loạt tăng đột biến 60% đến 100% trong 3 tháng vừa qua.

Nếu không được giám sát chặt chẽ, hệ quả của việc đảo nợ và đầu tư tài chính lướt sóng sẽ rất nguy hiểm cho DN và hệ thống ngân hàng. Phân tích của ông Thành đã chỉ ra rằng, thực trạng khó khăn của DN vẫn còn nguyên và gánh nặng rủi ro của hệ thống ngân hàng chỉ tạm thời được đẩy lùi. “Rồi đây số nợ vay được hỗ trợ lãi suất sẽ phải hoàn trả cho ngân hàng bằng những nợ vay mới với lãi suất không được hỗ trợ. Với cuộc chiến tăng lãi suất huy động đang diễn ra giữa các ngân hàng thì chưa thể biết mặt bằng lãi suất mới sẽ là bao nhiêu” – ông Thành băn khoăn.

Đâu là giải pháp?

Luật Các tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay quy định: “Mục đích sử dụng vốn vay phải phù hợp pháp luật và khách hàng phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật”. Dựa trên quy định này, ông Thành kiến nghị, các ngân hàng nên xem xét cấu trúc lại danh mục các khoản nợ vay trước đây của các DN có lãi suất cao, chứ không được chấp nhận đảo nợ.

Về gói kích cầu thứ hai với 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 443/QĐ-TT, ông Thành cảnh báo, rồi đây cũng sẽ diễn biến theo gói thứ nhất. Một trong những lý do chính là DN không thể triển khai các dự án kinh doanh trong thời hạn 24 tháng. Do vậy, số tiền vay sẽ được dùng vào mục đích ngắn hạn, chủ yếu là đảo nợ và đổ vào chứng khoán để lướt sóng. Một số không nhỏ sẽ “lách” vào bất động sản, để “giải cứu” những dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản, biến thành nợ xấu của các ngân hàng.

Thâm hụt ngân sách cũng tăng đột biến, không những vượt mức 5% được Quốc hội phê duyệt mà sẽ vượt mức 8,5% Chính phủ vừa mới trình xin Quốc hội phê duyệt. Nếu cộng thêm hai gói bù lãi suất 37 nghìn tỷ thì bội chi sẽ vượt trên 10.

Do đó, giải pháp tối ưu là Chính phủ nên điều chỉnh và thay thế ngay chính sách bù lãi suất bằng một chính sách tín dụng với lãi suất thấp cho mọi đối tượng. Đây là hướng mà hầu hết các nền kinh tế thị trường trên thế giới đang triển khai. Tức là Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại đến mức thấp nhất có thể (khoảng 1-2%), tạo điều kiện để ngân hàng thương mại cho DN vay với lãi suất từ 4-5%. Các ngân hàng thương mại bắt buộc phải thực hiện đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay, đối xử bình đẳng với mọi DN đi vay, xóa bỏ cơ chế “xin cho” tiêu cực.

Ông Thành và các chuyên gia tin rằng với chính sách hợp lý và đội ngũ quản lý tốt, mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay không phải là quá khó đối với Việt Nam.

Bài, ảnh: Trang Anh

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị