Cảnh báo từ những điều… đã biết
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có thể thấy rằng, nhìn vào các chỉ số năng lực cạnh tranh (GCI), môi trường kinh tế vĩ mô của VN có bước cải thiện đáng kể, tăng 20 bậc so với một năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng này không tạo được sự thay đổi lớn khi 10 trong tổng số 12 chỉ số chính của GCI bị mất điểm. Thâm hụt ngân sách năm 2010 còn quá lớn, ở mức 6% GDP, và lạm phát đã trở lại mức hai con số. Thách thức đáng kể là cải thiện hiệu quả của thị trường lao động (vị trí 46), khả năng đổi mới của nó (66) cho giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, dù đã được cải thiện trong những năm gần đây. Đặc biệt là chất lượng đường giao thông (123) và cảng biển (111). Mặc dù giáo dục dường như đạt yêu cầu về chất lượng đào tạo cho người dân, tỉ lệ nhập học các cấp vẫn còn thấp (64, 103, và 110 tương ứng cho các cấp tiểu học, trung học và đại học). Để nâng cao khả năng cạnh tranh, VN cần một thể chế tiến bộ cho cải cách giáo dục.

Tụt hạng vì bất cập cũ

Những tồn tại mà báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu đề cập đến VN gồm thâm hụt ngân sách, cơ sở hạ tầng không bắt kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt giao thông đường bộ và cảng biển… đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng không được cải thiện.

Ông Bùi Kiến Thành – Chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng bày tỏ quan ngại: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn vào địa điểm đầu tư VN, nếu có hệ số tín nhiệm cao thì tốt, còn không sẽ rất thận trọng. Các vấn đề như cơ sở hạ tầng giao thông bế tắc; sản phẩm làm từ nhà máy đưa ra cảng gặp vô vàn khó khăn… chưa được xử lý. Đó chính là rào cản cho sự phát triển do đầu tư không đúng chỗ và quản lý không tốt đầu tư công”.

Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường đầu tư VN ngày càng cải thiện, nhưng các chính sách để thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ hơn nữa vẫn chưa quyết liệt. Do đó, các tồn tại cũ thường được duy trì dài lâu, không được giải quyết dứt điểm, cản trở sự phát triển chung.

Hậu quả của việc can thiệp không đúng đã khiến thị trường “nóng lạnh” thất thường và nền kinh tế sẽ phát triển không bền vững. Nguyên nhân do khách quan từ suy giảm kinh tế thế giới, nhưng phần lớn là chủ quan vì ảnh hưởng từ tư duy điều hành ở quá khứ.

Đề án 30 của VN được đánh giá khá thành công. Tuy nhiên, công cuộc cải cách vẫn chỉ nằm ở phần ban hành thủ tục ở cấp trung ương, còn việc thực thi ở địa phương vẫn rất “ì ạch”. Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI và VNCI thực hiện năm 2010 cho thấy, chỉ số niềm tin của DN đối với việc thực thi các thủ tục hành chính đang yếu đi. Các chuyên gia của WEF cho rằng, nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, VN cần phải có những đổi mới trong việc thực thi thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính ở VN được xem là khá nặng nề (xếp thứ 113), với số lượng lớn các thủ tục và nhiều công đoạn cồng kềnh. Trung bình các DN phải mất tới 44 ngày và trải qua 9 công đoạn mới có thể hoàn thành hết các thủ tục để bắt đầu hoạt động.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, các nhà phân tích khuyến nghị VN cần nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả đầu tư, năng suất nền kinh tế, giải quyết các nút thắt hạ tầng, kỹ năng lao động. Có thể nói, để giải quyết tất cả các vấn đề trên, VN chỉ có thể thực hiện được khi có những cải cách mang tính đột phá. Từ việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế đến tái cấu trúc khu vực DNNN, tất cả đều phải được tính toán và đưa ra những giải pháp hợp lý, khoa học.

Và chính sách nặng về biện pháp hành chính

Về điều kiện kinh doanh, theo khảo sát của WB, để thành lập DN ở VN, cần 9 thủ tục, mất 44 ngày và chi phí chiếm khoảng 12,1% so với thu nhập trên đầu người. Vì vậy, quy chế thành lập DN ở VN được coi là nặng nề (vị trí 113). Như vậy, thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản lớn với nhà đầu tư nước ngoài.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban Pháp chế – VCCI, nhận định: Nhìn lại thời gian qua, các can thiệp vào thị trường mang tính hành chính quá nhiều.

Lạm phát đã tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của VN, làm mất lợi thế cạnh tranh. Thử hỏi các chi phí đầu vào để làm ra sản phẩm ở VN đều tăng cao, trong khi chi phí đầu ra quốc tế không thay đổi nhiều thì làm sao cạnh tranh của sản phẩm không hạn chế được? Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách điều hành kinh tế dùng nhiều biện pháp hành chính sẽ khiến các nhà đầu tư quan ngại.

Theo luật sư Huỳnh, chính sách nhà nước nên can thiệp vào thị trường đúng lúc, đúng liều lượng vì thực ra nguồn lực có hạn. Cần triệt để hơn trong việc xử lý các vấn đề gây bức xúc của đầu tư công, chi tiêu công; cải cách mạnh mẽ DNNN và tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế, để họ kết nối với thị trường quốc tế và trở thành một bộ phận của kinh tế thế giới. Thực tế của nền kinh tế cho thấy, khu vực DNNN được sử dụng khối lượng lớn vốn, tài sản của nhà nước, nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp nhất (10,9%). Khu vực FDI đứng thứ 2 với 18,7% và khu vực tư nhân có mức tăng trưởng cao nhất 43,8%.

Chính sách kinh tế nên chú trọng đến các thành phần làm ra của cải cho xã hội. Các DN cần có chính sách riêng, ở đó họ có những ngân hàng được phân định rõ vai trò hỗ trợ cho DN phát triển.

Thay lời kết

Với vị trí thứ 65 của năm nay, so với các quốc gia Đông Nam Á khác được đánh giá trong bảng xếp hạng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, khoảng cách giữa VN và các quốc gia này đang ngày càng xa (Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 21, Brunei xếp thứ 28, và Indonesia xếp thứ 46). Những phân tích, đánh giá của WEF thực sự là những thông số chỉ dẫn rất khách quan. Đây là những cơ sở quan trọng giúp mỗi Chính phủ có phương thức điều chỉnh chiến lược cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Chúng ta có nên quan ngại không? Câu trả lời là có! Điều này giúp cho chúng ta xem xét lại mình, sửa chữa những khuyết tật một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Bá Tú – Ánh Tuyết
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp