Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự “cứu” mình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lãi suất cao gây khó khăn cho DN

Hiện nay nước ta có 600.000 DN đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó tới 97% là DN nhỏ và vừa. DN nhỏ và vừa tạo công ăn việc làm, thu hút nhiều lao động, xóa đói giảm nghèo, sản xuất ra khoảng 40% hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu… Các DN nhỏ và vừa sử dụng vốn đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách rất thấp nhưng lại đóng góp vào thu ngân sách khá lớn. DN nhỏ và vừa gắn bó với cơ sở xã hội nên tác động mạnh đến đời sống dân sinh và ổn định xã hội. Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, thời gian qua, DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, tính tới thời điểm này có tới 49.000 DN phá sản giải thể, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế chiếm trên 30% số DN nhỏ và vừa.

Tại Hội thảo “Trợ giúp DN nhỏ và vừa tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương Tp. Hà Nội) kết hợp với Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức) vừa tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết: Bất cứ nền kinh tế nào, khi chống lạm phát đều phải dùng giải pháp lãi suất cao. Lạm phát càng nặng thì lãi suất càng cao. Lãi suất cao tất yếu sẽ gây khó khăn cho DN. Những DN càng phụ thuộc vào vốn tín dụng thì càng khốn đốn trong sản xuất kinh doanh.

DN nhỏ và vừa là những DN có năng lực tài chính thấp, gặp lạm phát và lãi suất cao thì bài toán về vốn cực kỳ nan giải, có nguy cơ phải ngừng sản xuất, giải thể, phá sản cao. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao là do thường để lạm phát xảy ra rồi mới dồn sức để chống, mà không ý thức được tầm quan trọng của phòng ngừa lạm phát. Lạm phát chính là căn bệnh của chính sách tài chính tiền tệ, của chính sách quản lý vĩ mô lệch lạc và hậu quả khó khăn lại đổ vào đầu người dân và DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Có thể phá sản hàng loạt

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Các DN nhỏ và vừa hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là thuế cao. Hiện thuế thu nhập DN của ta là 25% nhưng trên thực tế các DN phải chịu cao hơn do có nhiều khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ nên không được đưa vào tính toán khấu trừ thuế. Thứ hai là, chi phí thuê mặt bằng của các DN nhỏ và vừa rất cao, gấp 2-3 lần so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DNNN.

Cũng về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phương Lan (Hà Nội) cho biết thêm: DN của ông thuê 1ha đất tại Cụm công nghiệp Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội), năm 2010 tiền thuê là 36 triệu đồng, thì đến 2011 số tiền thuê tăng lên đên 464 triệu đồng, mà DN gần như bị bắt ép, phải nộp, không được mời họp, thảo luận, phát biểu ý kiến. Ban quản lý thông báo tháng 4-2011 thì bắt nộp ngay. “Chúng tôi bắt buộc phải nộp vì đã trót đầu tư vào đây gần 70 tỷ đồng để xây dựng nhà máy rồi, không thể bỏ được. Khoản tiền trên đương nhiên sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và làm cho sản phẩm đội giá lên”. Ông Bình bức xúc.

Nhiều DN cho rằng, không chỉ tiền thuê mặt bằng tăng vọt mà các chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất như điện, nước, xăng dầu, cước vận tải, nguyên vật liệu cũng tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng khó cạnh tranh, hàng tồn kho tăng cao, sản xuất đình trệ. Trong khi đó DN nhỏ và vừa thời gian qua hầu như không được hưởng ưu đãi gì từ Nhà nước. Khả năng nền kinh tế nước ta lạm phát cao sẽ còn kéo dài, DN nhỏ và vừa sẽ ngày càng đuối sức. Nếu bỏ sản xuất thì hết tồn tại, nhưng nếu cứ sản xuất thì lãi suất cao cũng dẫn đến không chịu nổi sẽ thua lỗ và phá sản. Khi DN nối đuôi nhau phá sản nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng vừa lạm phát cao, vừa suy thoái, trì trệ là vô cùng nguy hiểm.

 Cũng về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa, đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I có ý kiến: Chúng tôi chỉ mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các DN nhỏ và vừa này đang ở trong tình trạng sống dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm thì tôi e rằng phần lớn số DN này sẽ không còn tồn tại sau 1 năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.

Còn các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, dự báo năm 2012 lạm phát vẫn cao, để tồn tại thì các DN nhỏ và vừa trước hết cần phải tự cứu mình. Nếu tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn, DN cần phải tìm nguồn vốn bên ngoài.

Tùng Lâm
Nguồn: Báo Công lý điện tử