Các khu kinh tế chờ quyết đáp từ cơ quan lập pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hội thảo Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam do Ủy ban Kinh tế tổ chức trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII nhằm thu nhận các đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với việc thực hiện mô hình này ở nước ta. Đây là tiếng nói quan trọng cùng với các hoạt động giám sát để Ủy ban Kinh tế tổ chức báo cáo với UBTVQH về việc phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trong tháng 12.2011.

Các đại biểu đều đánh giá cao chủ đề Hội thảo do Ủy ban Kinh tế đưa ra. Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, trong bối cảnh còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bắt đầu tái cấu trúc nền kinh tế khi nào và thực hiện ra sao, thì việc lựa chọn chủ đề Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã phần nào làm sáng rõ hơn đòi hỏi của thực tế. Bởi đầu tư ban đầu cho mỗi khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu hiện nay đều dựa vào ngân sách Trung ương, do nhiều khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu nằm ở địa phương còn khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu cần được tái cấu trúc trước tiên, để phù hợp với điều kiện tài chính hạn hẹp hiện nay. Và kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các loại hình khu kinh tế nếu phát triển được thì sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng miền, cũng như của đất nước; góp phần giải quyết áp lực tăng dân số, giải quyết việc làm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Hơn nữa, thực tế đang đòi hỏi phải xem xét lại mô hình khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Bởi sau 15 năm thành lập đến nay, cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu. Nhưng việc xây dựng quá nhiều khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu như hiện nay đang trở thành gánh nặng cho ngân sách Trung ương cũng như địa phương. Thậm chí nền kinh tế địa phương đang phải gồng mình để nuôi các khu công nghiệp, các khu kinh tế, chứ không phải khu công nghiệp đang nuôi nền kinh tế. Nguyên nhân do tỷ lệ lấp đầy của các khu kinh tế ven biển chỉ khoảng 20%, trong khi, cự ly giữa các khu kinh tế biển khoảng 200km, với diện tích bình quân khoảng 45.000 – 50.000 ha/khu. Cả nước có gần 30 khu kinh tế cửa khẩu nhưng hiện chỉ có các khu kinh tế cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Còn các khu kinh tế cửa khẩu còn lại phần lớn đều trong tình trạng hoạt động không hiệu quả.

Một hạn chế khác của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ở nước ta là chưa đặt ở vị trí có lợi thế so sánh toàn diện trong quá trình phát triển. Vì thế nguồn vốn đầu tư và hạ tầng nguồn nhân lực đều không đáp ứng được nhu cầu phát triển của một khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Và việc đầu tư dàn trải nhưng thiếu kết nối giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã dẫn đến tình trạng chính các khu công nghiệp này phải cạnh tranh với nhau, các địa phương phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút vốn. Đặc biệt, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, việc xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ở thời điểm hiện nay đã mất tính hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư do các nước trong khu vực cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự như Việt Nam nhưng môi trường đầu tư của họ thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể không ghi nhận một số tác động của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Do có khu kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là đối với những địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn; tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Khu kinh tế cửa khẩu đã trở thành một loại hình khu kinh tế có vị trí quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế với các nước láng giềng, chuyển dịch cơ cấu vùng biên, thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển. Trên thực tế, trong giai đoạn đầu, một số khu kinh tế cửa khẩu đã phát triển nhanh như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)… Các khu kinh tế này dựa vào nội lực, lấy thương mại tiểu ngạch làm trọng tâm phát triển, và lợi nhuận thu được chủ yếu để lại cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng. Như vậy, với cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý giữa địa phương và Trung ương, một số khu kinh tế cửa khẩu đã thực hiện đúng mục tiêu thu hút đầu tư tập trung, hình thành trung tâm phát triển, có sức lan tỏa với phát triển kinh tế vùng miền, kinh tế đất nước.

Điều này cho thấy, thành lập khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vấn đề đặt ra là cần khắc phục những hạn chế trong cơ chế quản lý, xu hướng phát triển, hoạt động… để mỗi khu vực đáp ứng được yêu cầu với mô hình này. Do đó, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH cần xác định rõ những giải pháp cụ thể để có thể tái cấu trúc các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Bởi giám sát không phải chỉ để thấy hiện tượng và nêu những bất cập ở từng địa phương. Đích đến cuối cùng của giám sát là đi sâu và sát vào hiện tượng, vấn đề cụ thể, đối chiếu với luật, nhằm đưa ra được những kiến nghị phù hợp nhất. Hơn nữa, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã xác định: phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 55% tổng GDP cho cả nước và 60% kim ngạch xuất nhập khẩu… Trong đó, các khu kinh tế phấn đấu đưa mức đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng từ 15 – 20%; tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 – 1,5 triệu người. Hay nói cách khác là Nhà nước đã xác định trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới là vùng ven biển. Khu vực này phát triển nhanh hơn vùng nội địa, đi trước và kéo những vùng sâu trong nội địa cùng phát triển. Gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI vừa qua đã xác định: cần khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội và tác động đến môi trường. Như vậy, tiền đề cho tái cấu trúc khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã có, đặc biệt là chủ trương được xác định rõ ràng.

Dựa trên thực tiễn hoạt động và phát triển của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí cho rằng, cần tập trung nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước để đầu tư phát triển khu vực ven biển trước. Khi có hiệu quả và lợi nhuận thì đầu tư ngược lại vùng núi, biên giới để nâng dần đời sống đồng bào, hạn chế khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm ổn định xã hội. Trên cơ sở định hướng này, Chính phủ chọn 2 – 3 khu kinh tế biển để đầu tư dứt điểm trong giai đoạn 2012 – 2015, với tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, gắn với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch, ở phía Bắc chọn khu vực Hải Phòng là trung tâm phát triển kinh tế biển, với điểm nhấn là cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và toàn bộ các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên là khu vực hậu cần. Ở phía Nam chọn Bà Rịa- Vũng Tàu làm điểm đột phá do có hạ tầng khai thác dầu khí, và cùng với các cảng của TP Hồ Chí Minh sẽ là cửa ngõ của cả vùng Đông Nam bộ, vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Khu vực miền Trung sẽ chọn khu Dung Quất, Chu Lai làm cửa ngõ đột phá với cửa ngõ nối quốc tế là cảng Đà Nẵng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần thay đổi quan niệm về khu kinh tế biển từ một khu vực khép kín, sang quan điểm là một không gian kinh tế- xã hội hoàn chỉnh. Nhà nước hình thành phương thức giao đất làm khu công nghiệp, khu chế xuất ở những vùng sản xuất nông nghiệp hai vụ không hiệu quả. Và căn cứ vào chính sách, pháp luật về đất đai của Nhà nước để người nông dân góp đất dưới hình thức một cổ phần để đầu tư xây dựng khu kinh tế. Trên cơ sở lợi nhuận thu được từ sản xuất công nghiệp, trao đổi thương mại, Nhà nước phải chủ động quy hoạch phát triển nông thôn mới về đất ở, đất sinh hoạt công cộng, giao thông… để người dân chủ động đầu tư xây dựng quê hương mình đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Bởi mỗi khu kinh tế biển không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, mà còn phải bảo đảm không làm tăng khoảng cách giàu nghèo và tạo nên mất ổn định xã hội.

Từ nội dung cuộc Hội thảo cho thấy, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cơ quan lập pháp, các nhà lập pháp cần có những quyết đáp rõ ràng hơn để tạo cơ sở cho tái cấu trúc các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Nhất là khi những nội dung trọng tâm của tái cấu trúc kinh tế đều có tác động nhất định đến chiến lược phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn tới.

Phương Thủy
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân