Các nhà máy ở TQ, Thái Lan đang dịch chuyển sang Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chi phí nhân công và nhiều chi phí khác tại Trung Quốc tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới đã đặt áp lực vào các công ty có nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc, tạo cơ hội lớn cho thị trường công nghiệp Việt Nam.

Tại “Hội thảo triển vọng nghành công nghiệp Việt Nam” được tổ chức bởi Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam chiều 10/11, ông Greg Ohan Trưởng Bộ Phận Công Nghiệp & Kho Vận của CBRE đã đưa ra nhận định:

“Việt Nam đang có những tín hiệu mới đầy lạc quan, điều này có nguyên nhân xuất phát từ giá chi phí đang tăng cao tại Trung Quốc, cũng như những bất ổn tại Thái Lan và Nhật Bản”.

Tại Trung Quốc, đời sống của người dân thường tăng gấp đôi sau mỗi thập kỹ bởi chính phủ nước này quan tâm đến việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Chính điều đó tác động đến giá nhân công tại đây.

“Lương cơ bản làm cho ngành công nghiệp của Trung Quốc bị cạnh tranh cùng với áp lực của đồng nhân dân tệ và nhiều chi phí khác cũng tăng khiến cho các nhà sản xuất đang đặt nhà máy tại Trung Quốc buộc phải chuẩn bị phương án di chuyển sang những vùng có nhiều thuận lợi hơn về chi phí nhân công, giá đất, cơ sở hạ tầng vào giao thông… Tất cả những điều này họ đều tìm thấy ở Việt Nam” – ông Greg Ohan khẳng định.

Điển hình như hãng điện tử máy tính VINTEX đang nghĩ đến việc chuyển hướng sang Việt Nam với dự án đầu tư tới 150 triệu USD. Hãng điện tử FOXCONN cũng có ý định tương tự.

Đáng chú ý, thương hiệu máy ảnh OLYMPUS hiện đang có 2 nhà máy ở Trung Quốc đang muốn gộp lại thành 1 nhà máy và đặt tại Việt Nam với dự án đầu tư trị giá 88 triệu USD.

Không chỉ có Trung Quốc, một số thị trường khác cũng có nhiều biến động đã tạo cơ hội cho thị trường công nghiệp Việt Nam. Nhật Bản được xếp hạng là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có tới 86 dự án trị giá khoảng 30 triệu USD được Nhật đầu tư vào Việt Nam. “Thiên tai ở Nhật đã khiến các nhà sản xuất ngay chính đất nước mặt trời mọc hướng đến khu vực Việt Nam bởi yếu tố an toàn.” – Greg Ohan tiếp tục nhận định.

Bên cạnh đó, những thiệt hại nặng nề từ trận lũ lịch sử đang diễn ra tại Thái Lan đã khiến các nhà đầu tư không thể dậm chân tại chỗ. Tính đến thời điểm này, tại Thái Lan đã có 7 KCN ở 3 tỉnh bị đóng cửa.

Trong đó có nhiều thương hiệu lớn như: Canon, Toshiba, Levono, Apple, Toyota… Các doanh nghiệp này phải mất nhiều tháng nữa mới có thể khôi phục lại để tiếp tục sản xuất. Nhưng ngay trong thời gian này, việc sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do bị thiếu các linh kiện được sản xuất tại Thái Lan.

Kết quả là những nền kinh tế Đông Nam Á như Việt Nam là nơi mà các công ty này nhắm đến. “Trong đó, Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ô tô và xe gắn máy, với các công ty lớn như Yamaha, Piaggo và Honda cũng đang mở rộng.” – đại diện CBRE nói.

Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có 276 khu công nghiệp (KCN). Trong đó, 177 KCN đã đi vào hoạt động và dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 547 KCN.

Nhiều nhà đầu tư nhận định, Việt Nam đang trong quá trình đột phá ngành công nghiệp với nhiều chính sách mở cửa, thu hút đầu tư bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng và giao thông ngày càng tích cực.

Không những vậy, nguồn lực nhân công dồi dào, chi phí hợp lý cộng với các chính sách chính trị ổn định giúp cho Việt Nam cũng là những yếu tố không thể thiếu.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang còn tồn tại không ít thách thức như: thiếu hụt các ngành công nghiệp hỗ trợ, các chính sách cần rõ ràng và nhất quán hơn và quan trọng là một chiến lược tổng thể ở tầm quốc gia để xây dựng các ngành công nghiệp này.

Nguồn: Báo Điện tử Dân trí