Chạm đáy suy thoái: Đừng vội lạc quan!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc đề nghị điều chỉnh các mục tiêu kinh tế 2009 của Chính phủ vấp phải nhiều nghi ngại, phản ứng từ đại biểu QH trong phiên thảo luận toàn thể hôm nay, 26/5. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 5% đặt ra năm nay cũng nhận cảnh báo không dễ dàng đạt được.

Chạm đáy suy thoái: Đừng vội lạc quan!

Đề cập đến vấn đề thời sự nhất, đề nghị điều chỉnh các mục tiêu kinh tế xã hội cơ bản năm 2009, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) tỏ ý nghi ngại.

Theo bà Loan kỳ họp trước (tháng 11/2008), Chính phủ xin điều chỉnh từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao sang kiềm chế lạm phát, nay lại đề nghị đổi mục tiêu tổng quát sang tập trung mọi nỗ lực chống suy giảm kinh tế. “Việc này thể hiện sự thiếu nhất quán trong dự báo, dự đoán kinh tế và năng lực điều hành nền kinh tế” – bà Loan quy kết.

Bà Loan nêu yêu cầu phải xây dựng nền tảng ổn định, chính sách nhất quán để tránh liên tục đẩy nền kinh tế từ thái cực này sang thái cực khác.

Đại biểu Trần Hồng Việt cho biết, năm ngoái cử tri tại địa phương kêu ca rất nhiều, nhưng năm nay, chỉ trừ một số người dân bị thu hồi đất, còn đa số khá lạc quan.

Sở dĩ có điều này là vì năm trước dù GDP tăng cao nhưng giá tiêu dùng cũng tăng chóng mặt, khiến người dân không được hưởng lợi từ tăng trưởng, ngược lại năm nay GDP tuy tăng thấp, nhưng giá cả cũng chỉ tăng nhẹ.

Từ góc tiếp cận như vậy, đại biểu Việt đặt vấn đề, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 6%, xã hội chấp nhận được, trong khi bội chi không vượt qua 7% là thỏa đáng. Ông Việt nhấn mạnh, lúc này phải tập trung vừa chống suy giảm, vừa chống lạm phát, thậm chí chống lạm phát phải cao hơn.

Theo ông Việt, phải đi trước, chứ không để xảy ra rồi mới tập trung đối phó. Chẳng hạn, như cuối năm trước, các đại biểu đã đề cập đến những dấu hiệu suy giảm kinh tế, nhưng rồi ta vẫn đặt mục tiêu chống lạm phát, sau đó lại phải “xoay” sang chống suy giảm. Lúc này suy giảm đã được nhận định là chạm đáy, sắp qua suy giảm nên cần tập trung cho chống lạm phát.

Đi sâu vào vấn đề hạ chỉ tiêu tăng GDP từ 6,5% xuống còn 5%, đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước) phân tích, 4 tháng đầu năm 2009, dù có nhiều giải pháp nhưng các kết quả đều đạt thấp so với kế hoạch đề ra trước đó. Ông Tuyến cho rằng nguyên nhân là do chưa ứng phó nhanh từ bài thuốc chống lạm phát sang bài thuốc chống suy thoái.

Đại biểu dẫn chiếu ví dụ so sánh: Trung Quốc nửa năm qua cũng phải trải qua những trạng thái kinh tế khác nhau nhưng họ đã biến hoá rất linh hoạt. Dựa vào thế mạnh dân số lớn, Trung Quốc đã lập tức chuyển hướng sang thị trường nội địa, tiêu thụ tới 3/4 sản phẩm làm ra, chỉ còn lại 1/4 cho xuất khẩu. Vừa qua Trung Quốc đã tự tin tuyên bố sẽ sớm ra khỏi khủng hoảng.

Chuyên gia kinh tế TS. Cao Sỹ Kiêm (đại biểu tỉnh Thái Bình) cảnh báo, 8 tháng còn lại của năm 2009 đang nổi lên những vấn đề rất lớn. Các giải pháp chống suy giảm áp dụng dồn dập, số tiền tung ra lớn với địa chỉ đã xác định tạo áp lực lớn với lạm phát, ảnh hưởng tới niềm tin vừa “nhen nhúm”.

Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) đề nghị khi điều chỉnh chỉ tiêu, không nên lạc quan là tình hình đã chạm đáy khó khăn. Việc đưa ra dự báo về mức độ tăng trưởng cuối năm từ 6,8 – 7,4 % để bù đắp cho kết quả quý I chỉ đạt 3,1% chưa có căn cứ thuyết phục. “Phải thực tế để người dân biết đường… tự liệu. Tôi cho rằng không đạt được mức tăng trưởng 5%, chỉ khoảng 4,2 – 4,5%”, ông Lễ phán đoán.

Nghi ngại với nhiều con số

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) lại nêu một nghịch lý, trong bối cảnh 4 tháng đầu năm, khó khăn chung nhưng nhiều khu vực vẫn tăng trưởng 6 – 8% nhưng khối DNNN lại âm 0,1%.

Ông Lợi nhấn mạnh: “Tôi không hiểu vì sao đây là khu vực hưởng nhiều lợi thế về vốn, đất đai, tư liệu sản xuất, chính sách… mà lại như vậy”. Ông Lợi cho rằng như vậy nghĩa là một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo khối doanh nghiệp làm giàu riêng bằng tiền ngân sách.

Đại biểu cũng không giấu những lo lắng vì xác định điều chỉnh chỉ tiêu nghĩa là phải “lâm trận”, buộc phải “đánh”, không còn lựa chọn nào khác trong khi chưa thấy cửa thắng, công tác dự báo thì độ tin cậy không cao.

Lo ngại với thực tế việc làm hiện nay, đại biểu Dương Kim Anh cho rằng, việc đặt mục tiêu 1,7 triệu việc làm cho năm nay là quá cao, không thể thực hiện được. Theo bà Kim Anh, người mất việc không chỉ là công nhân mà còn cả khu dịch vụ đi theo như các chủ quán cơm, người trông giữ trẻ… mà Bộ LĐ – TB – XH chưa thể nắm được.

Theo bà Kim Anh, việc điều chỉnh chỉ tiêu GDP xuống 5%, bội chi ngân sách lên dưới 8% đã thể hiện sản xuất kinh doanh khó khăn nên tất yếu việc làm cũng khó khăn. Từ đó, bà Kim Anh đề nghị, điều chỉnh chỉ tiêu việc làm xuống 1 – 1,1 triệu.

Về gói kích cầu 8 tỉ USD, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhìn nhận, đây là số tiền cao chưa từng có và lo ngại về việc tiêu cực có thể xảy ra. Hơn nữa, việc sử dụng số tiền này có thể tiếp tục nâng cao hệ số ICOR (*), vốn đang là yếu tố bất ổn của nền kinh tế.

Chỉ số này liên tục tăng lên trong những năm qua và nếu như năm 1997 là 3,5 thì đến năm 2008 đã là 6,68. So sánh với Đài Loan, nước tăng trưởng bình quân trên 9% trong 20 năm qua, tổng số tiền đầu tư để lấy một đơn vị tăng trưởng của ta cao gấp đôi. Từ đó, ông Hùng đề nghị giám sát chặt chẽ nguồn vốn sử dụng, nhất là nguồn vốn kích cầu.

Đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) nối tiếp vấn đề: “Nếu sử dụng gói kích cầu hiệu quả hơn, chúng ta có thể đạt tăng trưởng trên 5%”.

(*) ICOR là hệ số tiêu chuẩn phản ánh hiệu quả của vốn đầu tư bằng cách đo lường để biết muốn tạo thêm được một đồng sản phẩm thì cần đưa thêm vào sử dụng bao nhiêu đồng vốn.

Theo Phương Thảo – Cấn Cường
Nguồn: Báo Dân trí