Chỉ dẫn địa lý thành nhãn hiệu độc quyền: Trung Quốc vi phạm các điều ước quốc tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Từ năm 2005, cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (thuộc bộ Khoa học và công nghệ) đã công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột cho UBND tỉnh Dăk Lăk. Tên “Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ tại Việt Nam với ý nghĩa là một chỉ dẫn địa lý nên nói một cách nào đó, doanh nghiệp Trung Quốc được cấp bảo hộ độc quyền đối với hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột, là hành vi “ăn cắp chỉ dẫn địa lý”.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (có gần 200 nước là thành viên), chỉ dẫn địa lý được hiểu “chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hoá” là đối tượng được bảo hộ. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên công ước này nên việc Trung Quốc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp nước này có kèm dòng chữ “BUON MA THUOT” cũng phải tuân thủ các quy định trong công ước Paris.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhãn hiệu có kèm dòng chữ “BUON MA THUOT” có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, tính chất mặt hàng càphê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Nó có khả năng gây nhầm lẫn cho các sản phẩm càphê có nguồn gốc xuất xứ từ Buôn Ma Thuột với các sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc. Hành vi trên được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị ngăn cấm theo điều 10bis của công ước Paris.

Phía bị vi phạm sẽ làm gì? Theo khoản 2 điều 10ter công ước Paris, cho phép các liên đoàn, hiệp hội đại diện cho quyền lợi của các nhà công nghiệp, các nhà sản xuất hoặc các thương gia, với điều kiện sự tồn tại của các liên đoàn và hiệp hội đó không trái với luật pháp của họ, được kiện tại toà án hoặc cơ quan hành chính để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.

Vì vậy, hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoàn toàn có quyền khởi kiện các doanh nghiệp Trung Quốc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Trung Quốc (toà án hoặc cơ quan hành chính) để yêu cầu huỷ bỏ văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu có chứa dòng chữ “BUON MA THUOT”. Trung Quốc, theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO, có trách nhiệm huỷ bỏ các văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá có kèm dòng chữ: “BUON MA THUOT”.

Tỉnh uỷ quyền cho hiệp hội

Có một khác biệt với tập quán quốc tế, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam thuộc về Nhà nước, theo nghĩa cơ quan hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý đó, là đơn vị có quyền đăng lý và được công nhận tư cách chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, người có quyền khiếu nại hoặc đứng tên nguyên đơn phải là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, trong trường hợp này là UBND tỉnh Dăk Lăk. UBND tỉnh có thể uỷ quyền cho hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột thay mặt mình khởi kiện vụ này. Theo các điều ước quốc tế nêu trên mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột có đủ tư cách khởi kiện.

Như vậy, việc khiếu nại hay khởi kiện phải diễn ra ở Trung Quốc. Tuỳ vào pháp luật của Trung Quốc quy định bị đơn thế nào, nhưng về nguyên tắc, có thể chọn khiếu nại tại cơ quan nào ra văn bản công nhận quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý đó cho doanh nghiệp Trung Quốc (ở Việt Nam là cục Sở hữu trí tuệ), hoặc khởi kiện ra toà dân sự địa phương mà doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở chính.

Nếu khiếu nại hay khởi kiện, phía Việt Nam cần chứng minh rằng chỉ dẫn địa lý này đã được Việt Nam bảo hộ từ trước khi doanh nghiệp Trung Quốc được bảo hộ, và phía Việt Nam đã thực sự có hoạt động xuất khẩu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý này sang thị trường Trung Quốc. Không thể nói trước là phía Việt Nam có thắng được hay không nhưng có cơ sở để lạc quan. Phía khởi kiện có thể tham khảo luật sư Trung Quốc để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho phù hợp với luật pháp của Trung Quốc.

Bài học chậm chân

Khi là thành viên của công ước Paris, Việt Nam đã bảo hộ cho nhiều chỉ dẫn địa lý của các nước. Các chủ thể nước ngoài ý thức rõ về vai trò của việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ này. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhận thức chung về các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa cao, việc đăng ký, bảo vệ nó ở trong nước còn chưa được quan tâm chứ chưa nói đến ở nước ngoài. Một thực tế, không chỉ riêng càphê, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng khác như: kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc cũng đã bị các doanh nghiệp ở nước ngoài lấy “xài”.

Đối với chỉ dẫn địa lý, trước khi xuất khẩu, đáng lẽ phải đăng ký bảo hộ. Vì chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước nên so với các quyền khác thuộc về doanh nghiệp, việc đăng ký, bảo vệ chỉ dẫn địa lý còn yếu hơn. Cơ chế hành động tư nhân bao giờ cũng nhanh hơn nhà nước, vì lợi ích của mình. Các cơ quan nhà nước của ta thường chỉ quan niệm và hành động đăng ký chỉ dẫn địa lý như một thành tích. Vụ này, thêm một bài học nữa. Và, nếu phía Việt Nam (UBND tỉnh Dăk Lăk – chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý này hay người được chủ sở hữu uỷ quyền) chần chừ hay không hành động gì, hệ quả xảy ra trước tiên là càphê Buôn Ma Thuột xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị cấm.

Luật sư Phùng Thanh Sơn
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị