Chính phủ kiến tạo bắt đầu từ những hành động cụ thể
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là thực tế được nêu ra tại Hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức.

Báo cáo Việt Nam – Lộ trình hướng tới năm 2035 chỉ ra rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành công sau 30 năm đổi mới, nhưng so với yêu cầu phát triển hiện tại vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Tăng trưởng kinh tế đã có những bước tiến đáng ghi nhận với quy mô nền kinh tế tăng 31 lần so với năm 1990, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 20 lần. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì vẫn còn có khoảng cách lớn.

Số liệu báo cáo đưa ra cho thấy, sau 15 năm, GDP của Việt Nam tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỷ USD, Indonesia tăng 700 tỷ USD.

Đặc biệt, theo phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, so sánh về tăng trưởng với Hàn Quốc, trong những năm 80 của thế kỷ 20, khi Việt Nam ở vào giai đoạn phát triển đầu tiên thì Hàn Quốc cũng mới ở xuất phát điểm giai đoạn 2 là giai đoạn chuyển tiếp.

Sau 30 năm, Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt tới giai đoạn phát triển cao nhất là dựa vào sáng tạo, còn Việt Nam vẫn đang loanh quanh ở giai đoạn 2 chuyển tiếp.

Sau 15 năm, GDP của Việt Nam tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỷ USD, Indonesia tăng 700 tỷ USD.    

Xét về năng suất, từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất có xu hướng hướng giảm, do đó sự trì trệ về năng suất đang là thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, điều này cho thấy Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực về thu nhập và quy mô kinh tế; mặc dù GDP tăng 6 – 7%/năm, nhưng số tuyệt đối rất nhỏ bé và ngày càng doãng ra.

“Xuất phát điểm của chúng ta rất thấp, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ ngày càng tụt so với bình quân thế giới”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, báo cáo Việt Nam – Lộ trình hướng tới năm 2035 cho thấy, xếp hạng quản trị nhà nước của Việt Nam thấp, các chỉ số tương đương hoặc thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp.

“Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết là chúng ta cần tìm ra động lực mới, đặc biệt là về thể chế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, cơ hội đi kèm thách thức”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới để xây dựng và đạt được mô hình nhà nước kiến tạo, có thể thực hiện được mục tiêu xây dựng Chính phủ chủ động tham dự vào kế hoạch hóa cả vi mô và vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ nhanh.

Với mô hình này, các yếu tố cần được chú trọng như tăng cường năng lực của nhà nước; đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường; tăng cường sự đảm bảo về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, dịch vụ hành chính công cần bảo đảm cung cấp theo hướng chuyển từ vai trò nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết, qua đó mở rộng sự tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, để đạt tới mô hình nhà nước kiến tạo, hiện nay, 2 câu hỏi lớn nhất đang đặt ra đối với Việt Nam là xây dựng nhà nước kiến tạo như thế nào và cần làm gì để xây dựng nhà nước kiến tạo?

Trả lời câu hỏi này cũng tương đồng với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo mà đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang đặt ra, cũng như cần nhất quán mục tiêu này với tầm nhìn trong báo cáo Việt Nam – Lộ trình hướng tới năm 2035 để có thể hướng tới phát triển bền vững, tránh được nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị, lắng nghe để cải cách phát triển, cụ thể hoá chủ trương chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất – kinh doanh nhằm đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Theo đó, việc xây dựng Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu để vượt qua thách thức.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của Chính phủ và quan trọng hơn là phải được triển khai hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể trên thực tiễn.

Hiếu Minh 
Nguồn: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/chinh-phu-kien-tao-bat-dau-tu-nhung-hanh-dong-cu-the-191132.html