Chính phủ sẽ chuyển dịch những chính sách đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những dịch chuyển quan trọng nhất trong chính sách đầu tư bao gồm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đầu tư cho con người.

Huy động nguồn vốn tư nhân

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, mục tiêu của Việt Nam là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này vào năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành điện khá mạnh nhưng tình trạng thiếu điện vẫn còn. Ngoài ra, hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông đô thị tuy đã phát triển hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và nền kinh tế, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư trong giai đoạn tới.

Những lĩnh vực đầu tư này đòi hỏi cần phải có vốn đầu tư rất lớn. Dự báo, riêng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên sẽ ít được hưởng các nguồn vốn tài trợ từ những quốc gia phát triển dành cho những nước nghèo như trước đây.

Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong thời gian tới, Việt Nam không thể trông chờ vào nguồn vốn FDI, ODA và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực mở ra nhiều hình thức đầu tư mới như BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao lại), BT (Xây dựng-Chuyển giao), PPP (Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư), bước đầu đã có hiệu quả. Trong đó, nguồn vốn tư nhân sẽ được Chính phủ tập trung thu hút trong giai đoạn tới.

Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Huruhiko Kuroda cho rằng, khu vực tư nhân đang trỗi dậy mạnh mẽ và có đóng góp lớn vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tạo thêm những điều kiện thuận lợi để khu vực này đóng góp ngày càng lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế và công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Một ưu tiên khác trong Chiến lược phát triển kinh tế trong 10 năm tới là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách mới theo định hướng chuyển dịch dần sang các ngành có giá trị gia tăng cao.

Chính phủ đã cân nhắc giữa các yếu tố tĩnh và động trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tập trung ưu tiên vào những gì mình có ưu thế, đó là năng lực cạnh tranh động (ví dụ như nguồn nhân lực). Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những năng lực cạnh tranh tĩnh Việt Nam đang có thì tiếp tục phát huy tối đa. mà nông nghiệp là một ví dụ.

Do đó, quan điểm của Việt Nam là vẫn giữ những ngành cần nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm cho người dân. “Chúng ta phải đi nhanh là rất cần thiết nhưng không thể sốt ruột. Nếu chúng ta chỉ thu hút các ngành công nghệ cao mà không thu hút các lĩnh vực khác thì rất khó để giải quyết vấn đề lao động,” Phó Thủ tướng cho biết.

Vì vậy, Việt Nam vẫn phải thực hiện các dự án trước mắt để giải quyết việc làm đồng thời dịch chuyển dần sang những ngành có giá trị cao hơn. “Chúng tôi tiếp tục đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo người nông dân phải giàu được bằng việc việc tăng giá trị tuyệt đối của nông nghiệp,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Tập trung đầu tư cho nhân lực

Thẳng thắn nhìn nhận, đào tạo con người vẫn còn là “điểm nghẽn” của Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao và việc quản lý lao động cũng chưa thực sự tốt.

Tuy nhiên, không phải là năng lực của lao động Việt Nam không tốt mà chỉ vì họ chưa được đào tạo bài bản, và chưa có cơ hội được tiếp xúc với những ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao”, Phó Thủ tướng nhận định.

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cũng được coi là “chìa khóa” để giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế của ADB, tăng trưởng của Việt Nam không thể dựa mãi vào FDI và ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu từ vào chứng khoán và bất động sản,…nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị cho người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra. Thực tế là để đạt 1% tăng tưởng, Việt Nam đã phải đầu tư rất nhiều, trong khi đó, năng suất lao động lại dậm chân tại chỗ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung đầu tư lĩnh vực con người, đây được coi là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong đó, đầu tư vào nguồn lao động có kỹ năng, và lực lượng quản lý sẽ là những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của của các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB./.

Theo Minh Thúy, Xuân Dũng – Vietnam+