Chính sách lúa gạo ở Việt Nam: Cần “hệ điều hành” mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt, song khi mà nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng về chính sách, VN cũng phải nghĩ đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” – an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa – đồng thời bổ sung tính linh hoạt.   

Theo TS Trần Văn Đạt – nguyên chánh chuyên gia của FAO (“Thái Lan thay đổi chính sách lúa gạo, còn Việt Nam?”, tài liệu Festival Lúa gạo VN lần II), để ưu tiên mục tiêu tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, cường quốc số 1 xuất khẩu gạo Thái Lan đã có những điều chỉnh về chính sách, chấp nhận sẽ giảm bớt khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm và “nhường” ngôi vị quán quân cho VN mà họ nắm giữ nhiều năm liền.

Tương tự là Trung Quốc, mặc dù với diện tích đất trồng lúa mênh mông, nhiều gấp 10 lần nước ta, nhưng họ chủ trương chỉ sản xuất gạo vừa đủ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nên đã giảm từ 37 triệu hécta năm 1976 xuống còn 30 triệu hécta năm 2009. Tại hội thảo “Định vị thương hiệu gạo Việt” trong khuôn khổ Festival Lúa gạo VN lần II, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và thương gia cũng đề cập đến yêu cầu thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo, xây dựng thương hiệu, tập trung vào phân khúc chất lượng cao để nâng cao và hoàn thiện chuỗi giá trị giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Trước yêu cầu đó, đề nghị những nhà hoạch định chính sách lúa gạo VN quan tâm mấy việc:

Một là, tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,81 triệu hécta đất trồng lúa đã được Đảng và Nhà nước khẳng định. Trong đó, phân biệt khu vực trồng lúa “trọng yếu” và “không trọng yếu” dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu. 

Hai là, áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa. Tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang “tính xã hội” và tính thương mại để có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa 2 mục tiêu, để tăng cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu chính trị – xã hội, giải phóng một phần gánh nặng để tăng lợi nhuận, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại. Định hướng lại trọng tâm, chuyển từ các chức năng thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội, “hàng hóa công” và quản trị rủi ro.

Ba là, tiếp tục tăng cường chiến lược đa ngành, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng trẻ em… để cùng đảm đương nhiệm vụ an ninh lương thực và chống suy dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng lên vai người trồng lúa.    

Festival Lúa gạo VN lần II: Thương hiệu yếu, khó nâng giá trị xuất khẩu

Sáng 10.11, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần, Hội thảo quốc tế “Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao VN” được tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về lúa gạo VN ở trong và ngoài nước.

Tại cuộc hội thảo, một lần nữa các đại biểu nhấn mạnh, để hạt gạo VN đem về cho đất nước nhiều ngoại tệ hơn, cần thay đổi tư duy từ người trồng lúa cho đến nhà xuất khẩu. Không thể sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu nông hộ mà phải sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn hay thành lập Cty cổ phần nông nghiệp để đưa các giống lúa cho phẩm chất gạo tốt, có thương hiệu vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.

Tham luận của Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT cho rằng, hiện nay ĐBSCL có nhiều bộ giống mới dựa trên thành tựu của công nghệ sinh học, nhưng hầu hết đều không giữ được chất lượng lâu dài, do kỹ thuật canh tác lạc hậu, hạt gạo còn lẫn nhiều tạp chất. Chính vì vậy mà chất lượng gạo không cao, khó tiêu thụ tại thị trường khó tính. Nhiều đại biểu tin rằng, VN hoàn toàn có khả năng sản xuất gạo có thương hiệu mạnh như Thái Lan, tuy nhiên do còn vướng nhiều cơ chế, chính sách nên khó làm. Điển hình như Sóc Trăng, sau 20 năm mới sản xuất thành công các giống lúa thơm ST (từ ST1 đến ST 20) nhưng muốn sản xuất đại trà thì rất khó do đất đai thuộc quyền sử dụng của nông hộ.     N.H

* Theo dự báo của FAO, tổng sản lượng gạo thế giới năm 2011 vào khoảng 463,8 tấn, sản lượng gạo thương mại khoảng 31,4 triệu tấn. Với tổng sản lượng gạo xuất khẩu 7 triệu tấn năm nay, VN chiếm khoảng 22,3% và ĐBSCL sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng gạo thương mại của thế giới.

* “Trên thế giới ngày nay, lúa gạo được coi là một mặt hàng chính trị hơn là mặt hàng kinh tế, tỉ trọng lúa gạo buôn bán trên thị trường còn thấp hơn nhiều so với tổng sản lượng sản xuất ra hằng năm; giá cả trên thị trường quốc tế lệ thuộc nhiều vào chính sách an ninh lương thực… Do vậy, nếu đặt mục tiêu sản xuất lúa với mục đích an ninh lương thực quốc gia, Nhà nước cần có chính sách thích hợp cho người trồng lúa, làm cho nghề trồng lúa trở nên hấp dẫn hơn”.     (TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)

Trần Hữu Hiệp
Nguồn: Báo Điện tử Lao động