Chính sách nào để phát triển doanh nghiệp lớn Việt Nam?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các doanh nghiệp quy mô lớn đã có vai trò chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của các nền kinh tế thành công ở khu vực Đông Á.

Tại Việt Nam, phân tích về các doanh nghiệp lớn thường nhấn mạnh vào những yếu kém và phi hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong khi các vấn đề chính sách về quản lý, giám sát và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, ít được đề cập và nghiên cứu.

Cho dù tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được ghi nhận và tôn vinh, không nên phủ nhận vai trò khó thay thế của các doanh nghiệp lớn trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.

Chỉ riêng 50 doanh nghiệp hàng đầu trong Bảng xếp hạng VNR 500[1] – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (www.vnr500.com.vn) đã đóng góp tới 36,2% tổng thu ngân sách của cả nước. Với tài sản nắm giữ vượt quá giá trị GDP của Việt Nam, các doanh nghiệp VNR500 đang là bộ phận chủ lực của kinh tế Việt Nam. Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam không thể tiến lên phía trước nếu không dựa trên sự tiến bộ của các doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp lớn Việt Nam: đã thực sự là doanh nghiệp lớn?

Khá nhiều các doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ và vừa nếu so với chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ (doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có dưới 500 công nhân), trên 210 doanh nghiệp thuộc VNR500 vẫn bị coi là doanh nghiệp nhỏ.

Dù vậy, xét theo tiêu chuẩn doanh thu, nhóm 3 doanh nghiệp lớn nhất của VNR500 đã đạt doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD/năm, đủ tiêu chuẩn để lọt vào Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ, Fortune500. Cùng với thời gian, không có gì đáng ngạc nhiên khi có doanh nghiệp Việt Nam lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.

Hiện đã có trên 10 công ty Việt Nam có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, trong năm 2007 và 2008, hầu hết các công ty viễn thông lớn của Việt Nam sẽ gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD.

Khung pháp lý nào cho sự phát triển của doanh nghiệp lớn?

Theo Điều 3 Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/11/2001, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.

Như vậy, phải chăng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỷ đồng và số lao động trên 300 người đã được coi là doanh nghiệp lớn? Cách hiểu như vậy, cho dù phù hợp với quy định pháp lý, nhưng có lẽ không thật phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, cần có một cách nhìn nhận được thống nhất về câu hỏi: “thế nào là doanh nghiệp lớn?”

Bảng thống kê doanh thu trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam
trong danh sách VNR500
Nguồn: www.vnr500.com.vn; và www.fortune500.com

Luật Doanh nghiệp năm 2005 tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian đăng ký thành lập, nhưng Luật này chưa giúp các doanh nghiệp có thể phát triển từ cơ sở kinh doanh nhỏ thành những doanh nghiệp lớn.

Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển về quy mô, đặc biệt là khu vực tư nhân, cần phải xét lại từ yếu tố nền tảng là luật pháp. Luật pháp phải được thiết kế sao cho thực sự trở thành công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không chỉ có chính sách ưu đãi DNNVV mà còn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn phát triển.

Ở Việt Nam có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chưa có tổ chức nào của các doanh nghiệp lớn. Hiện nay, mới duy nhất có Câu lạc bộ VNR 500 với sự tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là sân chơi và nơi hợp tác cho các doanh nghiệp lớn.

Xuất phát từ vai trò của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, cần có một tổ chức của doanh nghiệp lớn và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn phát triển. Doanh nghiệp lớn cũng có những vấn đề cần lưu ý giải quyết như vấn đề quản trị, vấn đề nhân sự, thách thức tăng trưởng, vấn đề thương hiệu .

Vấn đề quản trị và nhân sự trong doanh nghiệp lớn

Không chỉ là quy mô mà cả sự bền vững của doanh nghiệp lớn Việt Nam đều chưa đạt chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ điều kiện, nhất là về trình độ, năng lực để tiếp cận được tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được coi là có nhiều thuận lợi hơn cả trong ý thức lẫn khả năng về nguồn lực để cải thiện năng lực quản trị tuy nhiên theo đánh giá từ phía các chuyên gia quốc tế thì các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn xa mới đạt được những tiêu chí về quản trị theo thông lệ quốc tế.

Quản trị doanh nghiệp tốt cũng được coi là chìa khoá mở ra cánh cửa hợp tác với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng như tăng cường tính khả thi của các mối giao lưu với doanh nghiệp thế giới. Những băn khoăn về khả năng doanh nghiệp Việt Nam có ngồi được cùng bàn, có đủ sức chơi cùng một sân hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng doanh nghiệp của Việt Nam bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị như thế nào.

Các doanh nghiệp lớn cần xây dựng và thực hiện quy chế quản trị công ty nhưng trong cơ chế quản trị chuẩn mực, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề năng lực quản trị, năng lực điều hành, vấn đề xây dựng đội ngũ kế cận. Quản trị và điều hành DNNVV là một việc khó khăn, quản trị và điều hành doanh nghiệp lớn càng khó khăn gấp bội. Một người đứng đầu doanh nghiệp lớn, không chỉ cần có tài năng lãnh đạo, mà còn phải có bản lĩnh của một doanh nhân, có tầm nhìn xa và phải thấu hiểu và yêu thương doanh nghiệp như chính một phần cuộc sống của mình.

Thách thức tăng trưởng đối với doanh nghiệp lớn

Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng khá ngoạn mục trong các năm 2004-2007. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp VNR500 trong giai đoạn 2005-2007 còn lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng doanh thu, đạt xấp xỉ 25%/năm.
 
Môi trường kinh doanh thuận lợi trong những năm này đã khiến các doanh nghiệp tích lũy được nguồn vốn thặng dư khá cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VNR500 luôn được sự ưu ái của các ngân hàng vì những doanh nghiệp này có thu nhập tốt, dòng tiền ổn định và uy tín vững vàng.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp lớn đang đứng trước thách thức tăng trưởng. Cần nhận thức rằng tăng trưởng chỉ là công cụ, tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng.

Để tăng trưởng, doanh nghiệp có thể chọn chiến lược phù hợp: tự tăng trưởng bằng thực lực như tăng vốn chủ sở hữu hay dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, liên doanh, liên minh chiến lược, mua bán và sáp nhập… Một trong những vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp là thay đổi cơ cấu sở hữu vốn.

Người sở hữu doanh nghiệp lớn có thể tự trả lời những câu hỏi đơn giản như: Mình muốn nắm giữ 100% vốn của một doanh nghiệp trị giá 5 tỷ, hay nắm giữ 50% (hay thậm chí chỉ 30%) vốn của một doanh nghiệp trị giá 50 tỷ? Mình muốn bỏ toàn bộ vốn liếng để là chủ nhân duy nhất của một doanh nghiệp chỉ đạt tỉ lệ sinh lời 20%, hay chỉ là một cổ đông hay thành viên trong một doanh nghiệp nhờ có quy mô lớn nên tiềm năng lợi nhuận ít nhất là 30%?

Vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp lớn

Điểm yếu của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong xây dựng thương hiệu là chưa nghĩ đến chuẩn quốc tế hay ít ra là tầm khu vực. Nhiều doanh nghiệp lớn mới chỉ hướng tới định vị sản phẩm của mình là Hàng Việt Nam chất lượng cao, thừa nhận sản phẩm mình là sản phẩm nội địa, thể hiện sự tự ti nếu so với thị trường thế giới. Những sản phẩm chất lượng cao theo chuẩn quốc tế không bao giờ tự quảng cáo là hàng Mỹ chất lượng cao hay hàng Nhật chất lượng cao.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nên nâng tầm suy nghĩ khi xây dựng thương hiệu để có những thương hiệu tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tất nhiên để đạt được mục tiêu đó thì phải tiến hành từng bước:, trước tiên cần chinh phục khách hàng trong nước, phát triển ra khu vực rồi mới nhắm đến thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp cần có ước mơ lớn nhưng phải dựa trên nền tảng những bước đi thực tế, có hoạch định chiến lược cụ thể. Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng quảng cáo chỉ là một phần của quá trình xây dựng thương hiệu, vì nó chỉ làm cho nhiều người biết đến chứ không làm thương hiệu mạnh lên. Để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp lớn còn cần đến cả một chiến lược tổng thể về nhân sự, tài chính…

Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 nếu các doanh nghiệp lớn thành công. Đã đến lúc đóng góp của các doanh nghiệp lớn – các nắm đấm chủ lực của nền kinh tế – cần được ghi nhận đúng mức, và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần được hưởng những biện pháp hỗ trợ thích hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và sự ủng hộ của xã hội để có thể nâng cao sức cạnh tranh, trở thành các tập đoàn đa quốc gia và đóng góp tích cực hơn nữa cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: www.vnr500.com.vn