“Chính sách tiền tệ khi “bóp“ quá chặt, lúc “thả“ khó thở“
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là lời nói thẳng của TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tại buổi công bố Báo cáo thường niên KT Việt Nam 2011 hôm qua, tại Hà Nội…

Tiềm ẩn “rủi ro đôi”

Với tiêu đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”,  Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố đã đưa ra một bức tranh không có nhiều gam màu sáng về nền kinh tế của VN.

“Trong số những rủi ro vĩ mô căn bản của VN thì tâm điểm của nguy cơ rủi ro vĩ mô nằm trong khu vực NH thương mại”- TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, Chủ biên Báo cáo khẳng định. Theo TS Thành, khu vực này chịu áp lực rủi ro từ 2 khu vực lớn là khu vực DN, trong đó hệ thống DNNN với những tiềm ẩn rủi ro tài chính đóng vai trò chủ chốt, và khu vực thị trường tài sản, trong đó thị trường bất động sản, với giá cả bị kìm giữ ở mức cao (bong bóng) trong một thời gian dài tích tụ những nguy cơ tiềm tàng. 

Nhóm tác giả cảnh báo,  VN đang dần lún sâu vào quỹ đạo điển hình của một nền KT hàm chứa rủi ro NH đi liền với rủi ro khủng hoảng tiền tệ (khủng hoảng đôi). “Có thể rủi ro về khủng hoảng nợ là chưa rõ ràng nhưng có thể sẽ diễn ra rất nhanh khi hệ thống NH và tài chính lậm vào khủng hoảng buộc chính phủ phải đứng ra giải cứu trong khi nguồn thu suy giảm, khiến ngân sách bị cạn kiệt trong một thời gian ngắn…”- TS Thành phân tích.

Đã bóp thì … bóp chặt

“Chúng tôi tìm hiểu liệu lãi suất VN có được điều hành dựa trên một quy tắc chuẩn mực nào không, cụ thể là quy tắc Taylor tổng quát. Kết quả cho thấy lãi suất của VN không tuân theo quy tắc chuẩn”- TS Thành cho biết.

Đồng tình với nhận định của Báo cáo, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia  cho rằng lãi suất năm nay còn cao hơn năm 2008 và cao nhất trong vòng chục năm gần đây. “Chưa bao giờ lãi suất lại méo mó và thiếu minh bạch như hiện này. Chưa bao giờ đạo đức trong hệ thống NH xuống cấp như hiện nay. Cũng chưa bao giờ ngành NH có hai hệ thống kế toán như hiện nay. Lỗi này là lỗi điều hành chứ không phải lỗi thị trường…”- ông Nghĩa khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là giật cục, thiếu nhất quán, “đã bóp là bóp thật chặt, đến khi thả ra nó không thở nổi, sống lay lắt”…

Một “sự khác thường” trong điều hành chính sách tiền tệ của VN là trên thị trường liên NH, các NH có thể cho nhau vay với lãi suất 20- 22%/năm, thế nhưng lại cấm các NH vay của dân với LS trên 14%, do đó buộc các NH phải tìm mọi cách “lách trần”, “đi đêm”… “Thực ra LS càng cao, vốn càng chảy vào khu vực công càng nhiều. Vì khu vực công không chấp lãi suất, đằng sau nó là Chính phủ. Nếu có nợ xấu thì lại khoanh ngoài bảng… Vốn càng cao càng chảy vào lĩnh vực phi sản xuất và rủi ro cũng vì thế mà tăng lên”- TS Nghĩa bình luận.

Theo đề xuất của nhóm tác giả, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước nên điều hành chính theo một quy tắc nhất quán để cân bằng các mục tiêu. “Việc theo đuổi chính sách tiền tệ dựa trên một quy tắc điều hành lãi suất  nhất quán sẽ giúp chính sách của NHNN trở nên minh bạch, độc lập và dễ dàng giao tiếp với thị trường…”- TS Nguyễn Đức Thành quả quyết.

Thanh Lan
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam