Cho vay chứng khoán: Cấm hay để?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cấm hay để, siết chặt đến đâu và nếu mở thì ở mức nào…, tất cả vẫn chưa có đáp án chính thức.

Theo các số liệu mà Ngân hàng Nhà nước công bố thì ngay cả khi thị trường nóng nhất, dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại vẫn ở trong ngưỡng cho phép. Hiện tại, dư nợ trên toàn hệ thống đối với cho vay chứng khoán cũng chỉ hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế thì dòng tiền từ ngân hàng chảy vào chứng khoán thực tế nhiều hơn chúng ta tưởng, tiền từ nhiều ngân hàng đi đường vòng để quay lại với chứng khoán. Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường chứng khoán đang sục sôi quanh mức 500 điểm thì càng nhiều người lo ngại có khả năng một lượng tiền từ nguồn vốn kích cầu sẽ được đưa sang “kích” thị trường chứng khoán.

Lo ngại cho một sự ổn định lâu dài của các tổ chức tín dụng (TCTD), dự thảo Luật các tổ chức tín dụng quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Hàng loạt nghiệp vụ bị hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, ngân hàng không được trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán; tự doanh chứng khoán bao gồm cả mua bán cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư… mà phải thông qua các công ty con.

Theo một số chuyên gia kinh tế, quy định này hoàn toàn hợp lý bởi sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường chứng khoán trong nước giờ chủ yếu do các nhà đầu tư và cả đầu cơ điều khiển. Việc bơm vốn từ ngân hàng sang chứng khoán nhằm tạo động lực để phát triển thị trường sẽ dễ lặp lại nguy cơ bong bóng như hồi thị trường lên cơn sốt. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây trên thị trường ít có doanh nghiệp phát hành mới hay huy động vốn mà chỉ có việc mua đi bán lại của các nhà đầu tư nên vốn ngân hàng, nếu có chảy vào đây cũng không giúp doanh nghiệp tăng được giá trị nội tại mà sẽ làm nóng thị trường theo xu hướng ảo, đầu cơ nóng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc siết lại cho vay chứng khoán là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống bởi ngân hàng không chỉ là người cho vay mà còn đi vay của dân để cho vay lại nên phải hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro để đảm bảo an toàn cho tiền của người dân và an toàn của cả nền kinh tế.

TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết dự thảo luật đã chỉnh sửa lần thứ 8 và tiếp tục được hoàn tất để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay. Giới chuyên gia, nhà quản lý tỏ ra rất đồng thuận với quy định mới này vì cho vay chứng khoán không quản lý được sẽ dẫn đến hiện tượng cho vay dễ dãi để đầu cơ, tạo nên bong bóng như đã vấp phải hồi năm 2008.

Trái với nhận định của cơ quan quản lý, không ít nhà đầu tư, ngân hàng – đối tượng thuộc diện bị điều chỉnh của dự thảo đã bày tỏ lo ngại về điều khoản cấm cho vay chứng khoán tại dự thảo này. Hiện nay, quy định hạn mức của các ngân hàng là được cho vay chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ, nhiều ngân hàng đã xem đây là ngưỡng cản có thể giữ được, nếu cấm hẳn thì họ sẽ mất đi một phần lợi nhuận.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: là đơn vị kinh doanh, huy động vốn để cho vay lại nên các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay chứng khoán. Chúng tôi chỉ chịu xuất tiền khi “nhìn” thấy lợi nhuận hoặc khoản vay đảm bảo an toàn. Thông thường, ngân hàng chỉ khoanh lại danh mục những mã cổ phiếu nhất định được cầm cố, quy định số lượng được cầm cố của mỗi mã là bao nhiêu, hạn mức cho vay tối đa của một mã, cho vay không quá 50% thị giá… Hiện nay, vốn ngân hàng rót sang chứng khoán chủ yếu dưới hình thức cho vay cầm cố chứng khoán. Nếu mất nguồn hỗ trợ tài chính lớn, nhà đầu tư chỉ có thể tham gia thị trường bằng vốn tự có và như thế thị trường chứng khoán có thể sẽ chịu nhiều tác động xấu.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cho biết: chúng tôi chưa có kiến nghị bằng văn bản nhưng Hiệp hội đã tranh thủ làm việc với các đoàn đại biểu Quốc hội để có thể đưa ra những nghị trực tiếp. Thừa nhận để ngân hàng cho vay chứng khoán sẽ dẫn đến tăng trưởng nóng nhưng hiệp hội cho rằng cấm hẳn cho vay là không hợp lý, nên cân nhắc kỹ. Đối với ngân hàng thương mại, có thể cho phép thành lập các tổ chức trung gian để cho vay chứng khoán. Đối với các công ty chứng khoán nên ban hành một định chế tài chính phi ngân hàng để họ hoạt động.

Duy Minh
Nguồn: Báo điện tử Công thương