Chống hàng giả và câu chuyện con gà – quả trứng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2010 các cơ quan chức năng đã kiểm tra 470.147 vụ, xử lý 184.032 vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Dù đã giảm so với năm 2009 (khoảng 6,3%), song chính các ngành chức năng cũng đánh giá, con số vụ việc bị phát hiện có thể nói là không thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra trên thị trường.

Chỉ tính riêng lực lượng hải quan đã bắt giữ 2.000 điện thoại di động nhái nhãn hiệu Nokia với giá trị khai báo là 36.000 USD; 2.500 bao thuốc lá điếu giả nhãn hiệu Viantaba; 2.000 bao thuốclá điếu giả nhãn hiệu 555, trị giá ước tính 65 triệu đồng; 969 chai rượu giả nhãn hiệu Ballentines; 14.000 chai rượu giả nhãn hiệu Stolichaya; mỹ phẩm các loại, trị giá khoảng 305 triệu đồng; 696 hộp dầu nhờn xe máy giả nhãn hiệu Vistra, trị giá ước tính 30 triệu đồng; túi xách, thắt lưng da giả nhãn hiệu Louis Vuitton; 38 gọng kính các loại giả hiệu Gucci; cáp quang máy tính giả nhãn hiệu AMP Netconnect…

Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý gần 300 yêu cầu  kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tụê (SHTT) với gần 270 đối tượng SHTT như các nhãn hiệu Nokia, Nike, Seiko, Gucci, Oral-B, Gillette, Procter&Gamble …

Hàng hóa bị làm giả chủ yếu là: xe máy, hàng điện tử, điện lạnh dân dụng, hoá mỹ phẩm, dược phẩm, rượu bia nước giải khát, hàng thực phẩm, các loại vật tư phục vụ sản xuất, sách và băng, đĩa giả, đặc biệt là tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa, bao bì giả… Hàng nhái, hàng giả ẩn mình tinh vi, được sản xuất ở vùng ven đô, trong các ngõ hẻm, sản xuất nhiều nơi sau đó tập trung lại lắp ráp; địa chỉ có ghi trên sản phẩm nhưng xác minh là địa chỉ “ma”…  rồi len lỏi tới khắp nơi từ vỉa hè đến các shop lớn.

Giải thích về sự “lép vế” trước thực trạng hàng gian, hàng giả lộng hành, các cơ quan chức năng vẫn cho rằng đã “căng sức” nhưng phần vì lực lượng mỏng, phần vì chế tài xử phạt chưa nghiêm, và một thực tế là, các doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu chủ động trong việc chống hàng giả… Nhưng khi được hỏi về vấn đề này, một doanh nghiệp trong ngành đồ uống than thở, họ mất công, mất sức phát hiện và phối hợp cơ quan chức năng tìm ra nơi bán hàng nhái với sản phẩm của họ, song khi xử lý, cửa hàng này chỉ bị phạt hành chính vài triệu đồng, nên họ “chẳng buồn chống  nữa”…

Có vẻ như cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả sẽ vẫn cứ tiếp tục bế tắc vì các chủ thể tham gia vẫn còn “bận” với câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” kể trên.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam