Chống vi phạm SHTT: Quân tử phòng thân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những thiệt hại của doanh nghiệp do bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là rất lớn, nhưng lại rất khó đong đếm cụ thể và hành trình đi “đòi” sự công bằng trong lĩnh vực này cũng rất gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và khả năng tài chính.

Muôn hình vạn trạng vi phạm

Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 1 triệu xe gắn máy “cỏ”, trong số này có tới 50% là xe… nhái Honda! Thiệt hại cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp hẳn là rất lớn, nhưng khó định lượng; còn thiệt hại cho người tiêu dùng thì rất rõ và cũng không hề nhỏ. Trong một vụ việc đang được tiến hành điều tra tại tỉnh Nam Định, gần 2.000 chiếc xe Wave Alpha “nhái” đã được tiêu thụ. Giá thành xuất xưởng của những chiếc xe này chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/chiếc, sau khi được “phù phép” bằng một số chi tiết nhựa và tem nhãn giả, mỗi chiếc xe đến tay người tiêu dùng với giá không dưới 13 triệu đồng! Trừ đi các chi phí hợp lý, những kẻ kinh doanh bất chính đã ung dung bỏ túi chừng 7 triệu đồng/chiếc xe, cao hơn cả giá thành sản phẩm.

Dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tới đây miễn cho chủ SHTT khá nhiều “gánh nặng”

Thế nhưng không phải chỉ có các mặt hàng có giá trị lớn mới bị vi phạm bản quyền SHTT. Từ chiếc xe máy, thời trang hàng hiệu, phần mềm vi tính cho đến chiếc kẹo mút ưa thích của trẻ em đều là đối tượng bị dòm ngó, xâm phạm. Chủ nhãn hiệu Gucci mỗi năm cũng có tới 50 lần phải cầu viện tới các luật sư. Các hãng nước ngoài dày dạn kinh nghiệm thương trường như Kimberly – Clark (trụ sở chính tại Mỹ, bán sản phẩm tại 150 thị trường trên thế giới) hay Perfetti van Melle (nhà sản xuất đồ ngọt lớn thứ 6 trên thế giới, trụ sở chính tại Italia) cũng đều phải ngậm ngùi vì hàng nhái.

Tuy thế, việc xử lý các vụ vi phạm này không đơn giản. Một lý do quan trọng là đội ngũ cán bộ thực thi (bao gồm rất nhiều lực lượng, từ quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế…) không hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hàng nhái được làm ở “khắp chợ cùng quê”. Một cán bộ C15 kể chuyện thật như đùa: xe của cơ quan chức năng đi kiểm tra một cơ sở sản xuất diêm nhái tại một làng ở Bắc Ninh đã bị rất đông… trẻ em ra cản đường. Trên đường vào làng, họ tiếp tục gặp nhiều “chướng ngại vật” khác. Hệ quả là khi đến nơi chẳng còn dấu vết nào khả dĩ kết luận được hành vi làm nhái! Tuy biết chắc những chiếc kẹo mút Chupa Chups  (nhãn hàng đang được ưa chuộng của Perfetti) đang bị “nhái” ở làng nghề bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhưng “bắt tận tay, day tận cánh” đã rất khó khăn, nói gì đến việc bắt các hộ sản xuất ở đây bồi thường theo luật định – đại diện Perfetti có lần than thở. Cũng vì thế mà không nhiều doanh nghiệp kiên trì và có khả năng theo đuổi hành trình bảo vệ sự công bằng cho chính mình.            

Quân tử phòng thân…

Cùng với quá trình hội nhập và sự hoàn thiện môi trường luật pháp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đăng ký SHTT là việc đầu tiên cần làm, nhưng chưa đủ. Luật sư Bình ví von: “SHTT giống như biển số xe máy, đã được cấp rồi, nhưng nếu sơ xảy thì xe máy vẫn có thể bị đánh cắp”. Cơ sở võng xếp Duy Lợi là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đăng ký bản quyền SHTT và “dám” đâm đơn kiện ở Tòa nước ngoài khi bị doanh nghiệp khác “hớt tay trên” bản quyền sáng chế của mình. Tuy rút cuộc Duy Lợi đã đòi được sự công bằng, nhưng theo Luật sư Bình, Duy Lợi lẽ ra đã không vất vả, tốn kém đến thế nếu họ chọn đúng cách “phòng thân”. Ông bình luận: “Mấu chốt làm nên thành công của sản phẩm Duy Lợi là giải pháp kỹ thuật khớp nối cho phép gấp – mở sản phẩm, lẽ ra nếu đăng ký bản quyền sáng chế thì các doanh nghiệp nước ngoài chắc đã không dám ngang nhiên copy để đi đăng ký ở nước họ; nhưng ban đầu Duy Lợi lại chỉ đăng ký kiểu dáng. Doanh nghiệp cần lựa chọn được giải pháp đúng, muốn vậy họ cần được tư vấn chính xác”. Một điều đáng mừng cho những người có tài sản SHTT là dự thảo sửa đổi Luật SHTT tới đây miễn cho chủ SHTT khá nhiều “gánh nặng” khi họ yêu cầu bảo vệ bản quyền SHTT của mình. Theo đó, doanh nghiệp bị xâm phạm về SHTT chỉ cần chứng minh được hành vi cố ý xâm phạm bản quyền SHTT của họ là sẽ được thụ lý giải quyết theo trình tự hành chính (thay vì phải tự gửi thông báo tới đối tượng vi phạm và chờ đợi một khoảng thời gian để đối tượng “khắc phục khuyết điểm” như luật hiện hành).

Bên cạnh đó, một cách làm khôn ngoan khác để “bổ túc” kiến thức về SHTT là tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho các lực lượng thực thi pháp luật về SHTT, các đại lý, đối tác kinh doanh. Năm 2008, Microsoft – doanh nghiệp bị vi phạm bản quyền SHTT ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới – đã tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi ở cả 3 miền về vấn đề này. Đây cũng là cách làm mà Công ty Honda lựa chọn.

Thế nào là người tiêu dùng thông minh?

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề từ gốc rễ, các doanh nghiệp tha thiết mong mỏi người tiêu dùng chung tay góp sức. Vì sao ở các nước đang phát triển nạn vi phạm SHTT lại phổ biến đến như vậy? LS Bình đặt câu hỏi. Và ông trả lời: “Đó là vì tâm lý thích dùng hàng rẻ của người tiêu dùng. Rất nhiều người biết họ không thể mua đồ Gucci thật với giá vài trăm ngàn đồng một sản phẩm, nhưng họ vẫn thích sở hữu những thứ mang nhãn mác Gucci. Khi thấy có thị trường, dĩ nhiên sẽ có người làm”. Cái lợi trước mắt (giá rẻ) thì thấy rõ, nhưng liệu đó có phải là thói quen tiêu dùng thông minh? 

Chưa đề cập đến chuyện chất lượng của hàng “nhái” (sẽ được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác), nhưng nhiều tập đoàn nước ngoài có sự phân biệt khá rõ trong chính sách về giá sản phẩm đối với các thị trường mà tình trạng vi phạm SHTT còn phổ biến. Được biết, tại Thái Lan, sau khi ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng sử dụng phần mềm sao chép, Microsoft đã có chính sách giảm giá đáng kể cho đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng sản phẩm chính hãng, đồng thời vận động tài trợ để giảm giá cho một số đối tượng khác sử dụng phần mềm của họ không vì mục đích lợi nhuận.

Có lẽ đã đến lúc khái niệm “người tiêu dùng thông minh” cần có sự điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với một xã hội pháp quyền.

Anh Phương
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp