Chưa bỏ “trần” chi phí quảng cáo, tiếp thị thì… “nới”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không muốn bỏ “trần” vì ngại cạnh tranh?

Từ mức khống chế 7% tổng chi phí (giai đoạn 1999- 2003) lên mức 7- 10% giai đoạn 2004- 2008, từ năm 2009 đến nay chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đã được nới lỏng lên 10% tổng chi phí áp dụng đối với DN đang hoạt động và 15% tổng chi phí đối với DN thành lập mới trong 3 năm đầu (điểm n, khoản 1, điều 9 Luật thuế TNDN số 13/2008).

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, việc nới lỏng “trần” này được Quốc hội cân nhắc rất kỹ bởi DN trong nước thì “tự làm, tự ăn” nhưng DN FDI như “con đỉa hai vòi”, họ có công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ nên sẵn sàng quảng cáo lớn, kể cả chấp nhận lỗ nhiều năm.

“DN quảng cáo ào ào trong bối cảnh quy định về quảng cáo chưa nghiêm, các công cụ và biện pháp kiểm soát chưa hiệu quả nên Luật Thuế TNDN không thể đứng ngoài”- ông Phụng lý giải việc Thuế TNDN khống chế mức chi này.

Và có lẽ cũng chính vì vậy, mức khống chế này đã vấp phải sự phản ứng đặc biệt các DN FDI, sau đó các DN trong nước cũng “hát” theo, nhưng theo ông Phụng “riêng chi phí này phải nghe nhiều chiều”, bởi, vấn đề chuyển giá trong các DN FDI rất bức xúc.

Kết quả cuộc khảo sát do Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) tiến hành cho thấy chỉ có 34% DN được hỏi cho là không nên khống chế mức trần của khoản chi phí này trong khi 66% DN được hỏi cho rằng nên không chế. Nhóm DN “nói không” (34%) chủ yếu là DN FDI; DN lớn; DN hoạt động trong phạm vi rộng; DN kinh doanh các lĩnh vực ngân hàng, điện tử tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, báo chí, mỹ phẩm; còn nhóm DN chiếm tỷ lệ áp đảo (66%) chủ yếu là DNNVV, DN còn quen trong môi trường bao cấp, độc quyền, không muốn đẩy mạnh cạnh tranh để nhanh chóng phát triển bằng chính nội lực của mình; DN hạn chế về nguồn vốn kinh doanh…

Chưa bỏ được thì… nới

Tuy nhiên, nhóm khảo sát vẫn đưa ra kiến nghị cần xoá bỏ việc khống chế trần chi phí quảng cáo, thiếp thị, khuyến mãi… trong tổng số chi phí được trừ khi tính thuế TNDN trong lần sửa đổi thuế TNDN sắp tới và cho rằng, đây là việc “cần thiết, hợp lý và cấp bách”, vì đây là vấn đề được nhiều DN đặt ra cách đây gần 10 năm trước và vì trên thế giới duy nhất Việt Nam và Trung Quốc còn khống chế mức chi này.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị cần có giải thích, hướng dẫn chi tiết hơn nữa về nội dung những khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… (nằm trong nhóm không chế và không khồng chế) để các DN chủ động hạch toán, kiểm soát chi phí, hoàn thiện chứng từ cho mình  kinh doanh.

Theo ông Vũ Xuân Thuyên, Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT, sở dĩ có sự khập khiễng như vậy là do việc chọn mẫu khảo sát quá ít, chưa mang tính đại diện cho cộng đồng DN nói chung (300 DN của Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, chiếm khoảng 0,1% DN của cả nước và 0,06% DN của 3 thành phố).

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần phải bỏ mức trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… khi sửa đổi Luật thuế TNDN nhưng ông Thuyên cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu thực hiện tiếp chương trình điều tra khảo sát mở rộng số lượng mẫu DN đến ít nhất 1.000 DN phân bổ theo địa phương, top 50 DN Sao vàng đất Việt, Top 50 DN nộp thuế cao nhất, Top 50 DN có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, Top 50 DN FDI đạt giải thương Rồng Vàng…

Có như vậy mới thuyết phục được Quốc hội. “Trước mắt từ nay đến năm 2013, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ và UBTVQH cho phép nới tỷ lệ không chế chi phí quảng cáo được trừ khi tình thuế TNDN từ 10% lên 15% (tức là tăng thêm 5% tổng số chi phí được trừ). Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ Tài chính”- ông Thuyên đề nghị.

TS.Quách Đức Pháp – Nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng trước mắt, cần có văn bản hướng dẫn trong đó điều chỉnh các nội hàm khái niệm về chi quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu thanh toán… để nới lỏng hạn chế cho DN. Đó là quảng cáo không bao gồm tài liệu hướng dẫn cách sử dụng hay bảo quản đi kèm sản phẩm, khuyến mại không báo gồm các phụ tùng hay dụng cụ bảo hành đi kèm, chiết khấu thanh toán được trừ theo lãi suất bình quân liên ngân hàng…

“Rất nhiều anh chân đất của mình làm ra máy thái hành, máy gặt… nhưng có phát triển được đâu. Không khéo chè Thái Nguyên, cà phê Đắc Lắc, nước mắm Phú Quốc… bị mất thương hiệu vì quy định khống chế chi phí quảng cáo…”- ông Pháp lo ngại.

Thanh Thanh
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam