Chưa tận dụng cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sau 3 năm gia nhập WTO
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau 3 năm gia nhập WTO, thị trường xuất khẩu của nước ta đa dạng hơn và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường trọng yếu trên thế giới, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường trọng yếu tăng đáng kể với nhiều mặt hàng chủ lực như: than đá, hạt điều, gạo… Hàng hóa của nước ta đã được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhóm hàng có sử dụng lao động phổ thông như dệt may, da giày, điện tử đã được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 48,6 tỷ USD (năm 2007) đến 57,1 tỷ USD năm 2009. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trong 2 năm 2007-2008 là 25,5% và trong 3 năm 2007-2009 là 12,8%, trong khi mức tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn trước khi gia nhập 2004-2006 cũng đã đạt 25,5%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, xuất khẩu chưa có bước phát triển thực sự. Bằng chứng là tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 thấp hơn 3 năm trước, tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 cao hơn 4 năm trước chủ yếu do giá tăng.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước ta, trước hết có thể nhắc đến là do khủng hoảng kinh tế thế giới. Ảnh hưởng lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, mặc dù số lượng các mặt hàng có tính cạnh tranh của Việt Nam ở những thị trường này tăng lên theo hàng năm, nhưng nhu cầu thì giảm đáng kể. Thứ hai là tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu của 14 mặt hàng chủ lực vẫn không thay đổi là mấy, thậm chí còn giảm trong 6 năm gần đây. Quy mô xuất khẩu của nước ta còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao của nước ta còn thấp, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, dựa vào số lượng như khoáng sản, nông lâm thủy sản; còn các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, điện tử và máy tính chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, chủng loại nghèo nàn… Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu, các ngành xuất khẩu trọng điểm cần có biện pháp cụ thể nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân, doanh nghiệp dệt may cần phải phá vỡ thế gia công, tăng cường đầu tư nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài, nhất là tạo ra những sản phẩm độc đáo. Vì vậy, cần phải đầu tư về quản lý, cải tiến kỹ thuật và đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ để nâng cao năng suất, chất lượng.

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong hội nhập. Chưa chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc, hiệu quả chưa cao. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công thương đã có đề xuất với ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn; hạn chế nhập khẩu, tạo ra các rào cản để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Cũng phải thấy rằng, trong quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ít khi để ý đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, nên hàng hóa của doanh nghiệp thường bị làm nhái ở thị trường nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài để tránh bị đánh cắp và nhái nhãn hiệu, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tăng xuất khẩu rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Cộng đồng các doanh nghiệp cần khắc phục nhiều yếu kém trong xuất khẩu; Tăng cường sản xuất hàng có giá trị chế biến cao, nắm bắt thông tin thị trường, nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại của thế giới, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của hàng hóa tại thị trường nước ngoài… để tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.

Hoàng Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân