Chứng khoán năm 2011: Một năm thất bát!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Các bạn chúc thì chúc vừa vừa thôi nhé, đừng chúc sang năm làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái nữa. Chỉ cần bằng năm 2010 thôi cũng đã chết lắm rồi!”.

Mặc dù đây chỉ là câu chuyện vui cuối năm con mèo để bước sang năm con rồng, nhưng cũng cho thấy không khí thị trường năm 2011 ảm đạm nhường nào.

Chỉ số giảm 24%

Là người gắn bó với thị trường từ những ngày còn sơ khai, trứng nước tới nay, Phó Tổng GĐ CTCK trên cho biết, TTCK trong những năm qua có thăng có trầm, phát triển không ổn định. Đơn cử như thời kỳ phát triển quá nóng như năm 2007. Khi đó, giá trị giao dịch bình quân đạt tới 1.086 tỉ đồng/phiên là chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng từ năm 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính khiến kinh tế VN gặp nhiều khó khăn: lạm phát cao, lãi suất cao… làm cho TTCK tụt giảm mạnh. Đến năm 2011, giá trị giao dịch giảm xuống rất thấp. Có thời điểm ghi nhận giá trị giao dịch chỉ đạt 600 tỉ đồng/phiên. Theo con số từ UBCK thì chỉ số giá CK cuối năm 2011 giảm 24% so với năm 2010.

Đáng chú ý là trong báo cáo về TTCK của ngành tài chính cuối tuần qua lại trích lại các con số của 2010 như: Đến cuối năm 2010 đã có 642 Cty niêm yết, 5 loại CCQ và 500 loại trái phiếu niêm yết trên các Sở GDCK với giá trị vốn hoá thị trường đạt 36,5% GDP năm 2010. Theo một nhận xét thì điều này chứng tỏ thành quả của năm 2011 là quá ít. Bởi theo thống kê, trong năm 2011, vẫn có nhiều DN phát hành, niêm yết CP trên thị trường, nâng tổng số Cty niêm yết lên 710 Cty. Như vậy, trong cả năm qua chỉ có 68 DN niêm yết. Theo đánh giá, số lượng CK nhiều nhưng chất lượng lại thấp. Đa số các Cty niêm yết, đăng ký giao dịch là những Cty vừa và nhỏ: trong số 710 Cty niêm yết/đăng ký giao dịch chỉ có 368 Cty (khoảng 50%) có VĐL trên 100 tỉ đồng. Trong năm 2011, nhiều Cty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của CK và niềm tin của NĐT.

CTCK đì đẹt

Đến nay, toàn thị trường có 105 CTCK với vốn chủ sở hữu đạt 38.000 tỉ đồng; có 47 Cty quản lý quỹ đang hoạt động với vốn chủ sở hữu đạt trên 2.600 tỉ đồng. Các Cty quản lý quỹ đã huy động và quản lý quỹ đầu tư CK, các hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với giá trị tài sản lên tới 125 nghìn tỉ đồng. Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào các con số sẽ không thấy hết những cơn “sóng ngầm” của các tổ chức kinh doanh này trong năm qua.

Nếu như trong năm 2010 chỉ có 1/5 số CTCK thua lỗ thì đến cuối năm 2011, con số này đã tăng tới gần 3/4 số Cty. Nhiều CTCK có lãi trong quý I và quý II, song tính chung lũy kế vẫn lỗ. Cuối năm 2011, nhắc tới hoạt động của các CTCK là nhắc tới hoạt động kinh doanh thua lỗ, CTCK lợi dụng tiền trong tài khoản của NĐT, CTCK khó có khả năng cầm cự, CTCK rút bớt nghiệp vụ… Điển hình là trường hợp mất thanh khoản của CTCK SME khi đầu tháng 11, TTLK cho biết CTCK này đã không thể thanh toán được các khoản phải trả cho lệnh mua đến hạn thanh toán, NĐT rút tiền mặt phải chuyển tài khoản qua CTCK khác. Và đỉnh điểm là khi SME bị đình chỉ hoạt động lưu ký trên TTLK và tư cách thành viên tại hai sở. Tiếp sau SME là tình trạng báo động thanh khoản ở một loạt các CTCK khác và sự “tự nguyện” rút bớt nghiệp vụ của một số CTCK.

Theo vị TGĐ trên, số lượng CTCK nhiều nhưng quy mô và năng lực tài chính lại thấp, không đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Đặc biệt có một số CTCK có hạn chế về năng lực nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro dẫn đến tình trạng không hiệu quả (đặc biệt là hoạt động tự doanh) dẫn đến tình trạng thua lỗ. UBCK hiện cũng đã có trong tay danh sách hơn 10 CTCK không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính. UBCK cho biết đã đặt nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tái cấu trúc TTCK, trong đó chú trọng thanh lọc và tái cấu trúc các CTCK để nâng cao chất lượng các tổ chức trung gian của thị trường.

* Đến cuối năm, có tới gần 2/3 số quỹ đầu tư rơi vào tình cảnh thua lỗ ngoại trừ một số Cty quản lý quỹ thuộc tổ chức tín dụng, Cty bảo hiểm. Theo dẫn chứng của ông Nguyễn Hoàng Hải (Tổng Thư ký VAFI) tại một hội thảo cuối tuần qua, đơn cử như Quỹ đầu tư IDG Ventures đến nay có vốn đầu tư vào khoảng 100 DN thì có tới 95% số đó bị thua lỗ. Các Cty quản lý quỹ khác rất khó khăn trong việc huy động vốn, chủ yếu chỉ quản lý danh mục đầu tư ngắn hạn, năng lực hoạt động còn hạn chế, kết quả hoạt động quản lý tài sản, đầu tư cho khách hàng đạt thấp, chưa chuyên nghiệp.

* Bộ Tài chính cho biết, để tạo điều kiện cho thị trường CK phát triển, trong thời gian qua đã duy trì hoạt động của 2 sở GDCK. Xét về mặt thể chế không có gì vướng mắc, song cách thức tổ chức thị trường như hiện nay đã tạo ra sự thiếu hiệu quả, gây lãng phí chi phí và nguồn nhân lực. Trong khi đó xu hướng quốc tế hiện nay là hợp nhất, sáp nhập các Sở GDCK để tạo lập thị trường lớn, có sức hấp dẫn, đa dạng sản phẩm, công cụ đầu tư và tăng khả năng quản trị điều hành trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các thị trường vốn trong khu vực cũng như trên thế giới.

Lưu Thuỷ
Nguồn: Báo Điện tử Lao động