Cân bằng cán cân thương mại vào năm 2015: Nhiệm vụ bất khả thi?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhìn lại giai đoạn 2001 – 2010, có thể thấy mức nhập siêu đã tăng quá nhanh, vượt xa so với định hướng kế hoạch 2001 – 2010 của Chính phủ. Hàng loạt giải pháp nhằm mang lại hiệu quả trong ngắn hạn đã được ban hành như hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu… nhưng chuyển biến chưa rõ rệt.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2010 xuất khẩu ước đạt 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và tăng 16,5% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn không “bù” được tốc độ tăng của nhập khẩu. Ước cả năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17%. Tuy mức nhập siêu đã chuyển biến theo hướng giảm dần nhưng kim ngạch và tỷ lệ nhập siêu của giai đoạn 2006 – 2010 đều cao hơn giai đoạn 2001 – 2005. Chính vì vậy mức chênh lệch này khó có thể giảm nhanh trong vòng 5 năm tới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhập siêu cao, nhưng theo ông Bùi Trinh, Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do cơ cấu kinh tế. Thông thường, khi chọn ngành trọng điểm, phải xem xét đến hai yếu tố là chỉ số lan tỏa nội địa và chỉ số kích thích nhập khẩu. Nhưng ở nước ta, một số ngành như công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng vốn đầu tư khá lớn nhưng chỉ số lan tỏa nội địa thấp, trong khi chỉ số kích thích nhập khẩu lại cao bất thường. Hiệu quả sản xuất kinh doanh sụt giảm khá mạnh là nguyên nhân thứ hai dẫn đến nhập siêu tăng. Theo các bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê, chỉ tiêu năng suất đóng góp vào tăng trưởng khoảng 22 – 25%, nhưng trong ba năm 2007 – 2010, đóng góp của chỉ tiêu này vào GDP chỉ khoảng 10 – 15%.

Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng là chính sách bảo hộ. Trong thực tế, chính sách này của Việt Nam còn nhiều cảm tính. Những ngành có thể cạnh tranh thì hệ số bảo hộ hữu hiệu – bảo hộ sản xuất ngày càng giảm, thậm chí có những nhóm còn có tỷ lệ âm. Ngược lại, với những ngành không thể cạnh tranh thì hệ số bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất lại ngày càng tăng.

Nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đã có không ít chính sách, chiến lược nhằm kích thích các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng dường như các chính sách này chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Chưa kể đến hàng rào thương mại (thuế và phi thuế) do các nước dựng lên thì hàng hóa của Việt Nam cũng đã ở thế bất lợi do hạn chế về giá cả, mẫu mã, chủng loại… Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thô như cao su, than, dầu thô… và nhập khẩu từ Trung Quốc máy móc cơ khí với tỷ trọng lớn, trên 90% giá trị nhập khẩu. Thêm vào đó, việc các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu hàng loạt các dự án lớn ở Việt Nam đã tác động không nhỏ đến tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc, do các nhà thầu này mang vào Việt Nam hầu như toàn bộ phương tiện, thiết bị và vật tư.

Việc nhập khẩu tăng và nhập siêu lớn còn có “đóng góp” của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thời gian qua mức độ tăng nhập khẩu của khối doanh nghiệp này cao hơn hẳn khối doanh nghiệp trong nước. Đi kèm với thu hút đầu tư FDI là việc tăng lượng nhập khẩu máy móc, thiết bị cho các dự án sản xuất điện, lọc dầu, xi măng, thép… Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam phải xóa bỏ hạn chế nhập khẩu bằng hạn ngạch, giấy phép và giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Theo đó, chủ đầu tư được quyền lựa chọn nguồn cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Vì vậy, phần lớn các chủ đầu tư lựa chọn hình thức nhập khẩu này.

Không chỉ nhập nguyên liệu để sản xuất, lắp ráp, khối doanh nghiệp FDI còn nhập luôn hàng hóa vào để bán, thu lãi liền tay.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2006 tỷ lệ để dành so với vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI là 87,35%, nhưng đến năm 2009 tỷ lệ này mất đi gần 20 điểm phần trăm, chỉ còn 67,85%, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lại luôn ở mức trên 40%. Ông Trinh nhận xét, “tỷ lệ để dành nhỏ đi, chứng tỏ luồng tiền FDI vào còn nhỏ hơn cả luồng tiền ra”. Hơn nữa, không chỉ nhập nguyên liệu để sản xuất, lắp ráp, khối doanh nghiệp FDI còn nhập luôn hàng hóa vào để bán, thu lãi liền tay !

Nhiều tác nhân mới

Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, những bất ổn của giai đoạn vừa qua khiến việc cân bằng cán cân thương mại không thực hiện được vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Không những thế, trong thời gian tới còn xuất hiện thêm nhiều tác nhân mới duy trì đà nhập siêu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp Chính phủ mới đây nhìn nhận, xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với những thử thách thật sự từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới. Bộ này cho rằng, các diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ hai trị giá 600 tỷ USD, cùng với tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia có thể dẫn tới việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD ở một số nền kinh tế. Đặc biệt, việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mỹ có thể tăng nhẹ do việc Nhân dân tệ tăng giá dẫn tới việc hàng Trung Quốc trở nên đắt hơn. Nhưng đồng USD của Mỹ tiếp tục xu hướng giảm giá cũng sẽ làm cho các hàng hóa nước ngoài vào thị trường Mỹ nói chung, trong đó có hàng hóa Việt Nam, trở nên khó cạnh tranh hơn với hàng hóa của Mỹ. Bên cạnh đó, ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cùng với xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch của các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam càng gặp khó khăn hơn trước.

Đồng bộ và đột phá?

12 tỷ USD là ước nhập siêu năm 2010 của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát nhập siêu. Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp lớn như ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất nguyên liệu, gia công xuất khẩu để giảm dần và thay thế nguồn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài như xăng dầu, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da… Đồng thời sẽ thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm hàng công nghiệp, những mặt hàng mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giảm dần xuất khẩu hàng khoáng sản, nguyên liệu thô, nông sản chưa gia công, chế biến, đồng thời củng cố thị trường trong nước, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước…

Tuy nhiên, ông Biên cũng thừa nhận, việc cùng lúc thực hiện yêu cầu giảm nhập khẩu để giảm nhập siêu, trong khi vẫn phải đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là bài toán kinh tế tổng hợp không dễ giải. Và để giải được, đòi hỏi sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ, sự phối hợp thực thi linh hoạt của các bộ, ngành và sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy cân bằng cán cân thương mại vẫn là bài toán khó. Mốc 2015 tiếp tục bị lỡ, liệu đến bao giờ bài toán này được giải?

Nguyễn Hà
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp