Công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á

Báo cáo sơ bộ kết quả cho biết, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009 là 85.789.573 người, với sai số thuần là 0,3% (thu thập được qua phúc tra). Như vậy, Việt Nam là nước đông dân thứ ba ở Ðông – Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới.

Sau mười năm, dân số Việt Nam tăng thêm 9.470.000 người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong thời kỳ giữa hai cuộc Tổng điều tra năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, giảm mạnh so thời kỳ 1989 – 1999 với tỷ lệ tăng 1,7%/năm Tỷ lệ tăng dân số này là thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Ðây là kết quả quan trọng sau nhiều năm kiên trì triển khai Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Quy mô dân số được phân bố trên sáu vùng kinh tế – xã hội đất nước gồm: Trung du và miền núi phía bắc: 11.064.449 người; đồng bằng sông Hồng: 19.577.944 người; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung: 18.835.485 người; Tây Nguyên: 5.107.437 người; Ðông Nam Bộ: 14.025.387 người; đồng bằng sông Cửu Long: 17.178.871 người.

Trong tổng dân số cả nước thì 25.374.262 người cư trú ở khu vực thành thị và 60.415.311 người cư trú tại khu vực nông thôn. Như vậy, đến nay có 29,6% dân số sống ở khu vực thành thị so với 23,5% vào năm 1999. 5 tỉnh, thành phố có dân số đông nhất cả nước là: TP. Hồ Chí Minh có 7.123.340 người; Hà Nội 6.448.837, Thanh Hoá: 3.400.239; Nghệ An: 2.931.055 và Đồng Nai có 2.483.211 người.

Trong thời kỳ 1999-2000, dân số thành thị tăng lên với tỷ lệ bình quân 3,4%/năm, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn chỉ có 0,4%. Điều đáng chú ý là, sau 10 năm, tỷ số giới tính đã tiếp tục tăng lên và đạt mức 98,1 nam/100 nữ, cao hơn so với cách đây 10 năm (96,7 nam/100 nữ).

Cần tiếp tục phân tích, đánh giá, xử lý những số liệu một cách chính xác, khoa học

Theo đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA, việc Việt Nam công bố nhanh chóng kết quả điều tra chỉ sau 3 tháng triển khai là đáng khích lệ, điều mà rất ít quốc gia thực hiện được. UNFPA cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đánh giá và xử lý thông tin từ cuộc điều tra để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phân tích sâu các số liệu kết quả cuối cùng.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu bật ý nghĩa quan trọng của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương phải tiếp tục phân tích, đánh giá, xử lý những số liệu một cách chính xác, khoa học, bảo đảm tháng 9-2010 công bố chính thức trên phạm vi cả nước và quốc tế. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm tham mưu, báo cáo, phân tích những số liệu này, đồng thời hướng dẫn đối với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân tích những số liệu đã thu thập được. Coi trọng phân tích toàn diện, khoa học, nhất là phân tích những số liệu liên quan chất lượng cuộc sống của người dân, như giáo dục, y tế, diện tích nhà ở..

.Phó Thủ tướng lưu ý, việc triển khai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc vừa qua đã sử dụng lực lượng lớn nhân lực, vì vậy cần sớm tổng kết đánh giá khen thưởng kịp thời các Ban Chỉ đạo và cá nhân đã đóng góp công sức cho cuộc Tổng điều tra.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương và toàn thể nhân dân cả nước, các tổ chức quốc tế, nhất là UNFPA đã tích cực tham gia cuộc tổng điều tra lần này, đồng thời nhấn mạnh, kết quả này sẽ góp phần quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế trong việc đánh giá tình hình kinh tế – xã hội khu vực và thế giới./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ