Công bố mức cạnh tranh của 10 lĩnh vực kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cơ sở đánh giá dựa trên 5 nhóm tiêu chí, đó là: quy mô thị trường; các rào cản gia nhập thị trường; đánh giá cấu trúc thị trường; tác động của chính sách và thể chế  hiện hành đối với cạnh tranh; thực trạng cạnh tranh và nhận diện hành vi phản cạnh tranh trên thị trường.

Đối với 5 lĩnh vực sản xuất (sữa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, phân bón), mặc dù sức cạnh tranh trên thị trường được đánh giá khá cao nhưng Báo cáo cũng nhìn nhận thẳng thắn, 5 lĩnh vực này đều chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; công nghệ sản xuất còn hạn chế… Qua khảo sát, đa phần các nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam đều có công nghệ lạc hậu, công suất sản xuất nhỏ, chi phí sản xuất cao. Các nhà máy mới được đầu tư trong thời gian gần đây có công nghệ hiện đại và công suất lớn lại đều là các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, 5 lĩnh vực dịch vụ được lựa chọn cũng được coi là những lĩnh vực hướng tới thị trường rộng mở và cạnh tranh. Điển hình là thị trường viễn thông, với 8 nhà cung cấp dịch vụ thi thố “chiều chuộng” người tiêu dùng khác hẳn thái độ cửa quyền thời kỳ độc quyền trước đây. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ gia nhập thị trường, Báo cáo cũng chỉ ra việc hạn chế băng tần có thể là một rào cản tự nhiên khiến các doanh nghiệp mới khó tiếp cận thị trường.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam nhìn dưới góc độ cạnh tranh chính là mức độ tập trung – Báo cáo cho thấy. Trong lĩnh vực sản xuất thấp, mặc dù cũng có hiện tượng thống lĩnh thị trường (như trong lĩnh vực sữa),  nhưng mức độ tập trung ở lĩnh vực dịch vụ rõ ràng cao hơn nhiều và có thể nói cả 5 nhóm ngành (bảo hiểm, ngân hàng, phân phối xăng dầu, viễn thông, hàng không)  đều tồn tại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Trên thực tế đã xảy ra các vụ việc hạn chế cạnh tranh như vụ lạm dụng vị trí độc quyền trong thị trường cung cấp nhiên liệu bay của Công ty VINAPCO và thỏa thuận tăng phí bảo hiểm xe cơ giới của 19 doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ. Báo cáo cho rằng, đây là các lĩnh vực cần lưu ý và cập nhật cấu trúc thị trường cạnh tranh…

Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia kinh tế tham dự đều đánh giá cao Báo cáo vì bước đầu đã đưa ra được một bức tranh về cạnh tranh của các lĩnh vực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Báo cáo nên xem xét sâu hơn, nghiên cứu mở rộng đánh giá thêm nhiều lĩnh vực khác nữa chứ không chỉ dừng lại ở 10 lĩnh vực như trên. Ông Thành gợi ý, trong những năm tới Báo cáo cần bổ sung thêm các lĩnh vực khác của nền kinh tế mà hiện nay cũng đang phát triển khá sôi động, như: sản xuất ô tô; sản xuất đồ uống và chế biến thực phẩm,…
 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, để có Báo cáo sâu hơn, rất cần ý kiến của doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Biết đâu ý kiến của họ sẽ khác xa những đánh giá dưới góc độ mà Báo cáo đưa ra”- Bà Loan nói. Cùng chung quan điểm này, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, việc hỏi doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh được khảo sát để xây dựng báo cáo là việc “lạy ông tôi ở bụi này” nên cần phải có cách tiếp cận khách quan và đa chiều hơn.

T.Hiếu
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam