Công bố nợ vay của DN : Luật có nhưng lệ thì chưa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các DN đồng loạt phản ứng khi đại diện một ngân hàng đã công bố thông tin dư nợ tại một hội nghị. Điều này có sai luật hay chỉ đơn thuần là một “thủ thuật”… đòi nợ của ngân hàng ?

Tài lực khan hiếm cần quản lý cẩn trọng

Các nhà kinh tế cho rằng, vốn tín dụng là một nguồn tài lực khan hiếm đối với bất kỳ quốc gia nào và vì vậy phải sử dụng nó một cách thức cẩn trọng nhất. Nguyên lý chung về hoạt động ngân hàng là ngân hàng huy động vốn để cho vay lại DN trên cơ sở phân tích đánh giá DN (hay dự án). Để thực hiện điều này thì các ngân hàng phải có đủ thông tin về DN để phân tích đánh giá và ra quyết định có cho vay hay không; hoặc có cho vay thì với giá (lãi suất) nào ? Nếu thiếu thông tin về DN hoặc thông tin sai lệch thì quyết định cho vay của ngân hàng có thể sai lệch và nguồn tài lực của xã hội được phân bổ nhầm địa chỉ… Kết quả là nợ quá hạn, ngân hàng mất vốn (trên giác độ vi mô) và trên toàn xã hội là hiệu quả đầu tư xã hội thấp như chỉ số ICOR cao (trên giác độ vĩ mô)… thậm chí cả hệ thống ngân hàng yếu kém, mất vốn  có thể dẫn đến khủng hoảng (như ở Mỹ năm 2007 – 2009)… Và do đó  khuynh hướng quản trị hiện đại về hoạt động tài chính là nơi nào tập trung tài lực lớn của cả xã hội thì cần công khai, minh bạch và cả xã hội cùng quản lý. Khuynh hướng này cũng được đưa vào VN theo nguyên tắc là các công trình công cộng (có liên quan đến lợi ích xã hội) phải được quản lý, giám sát trên cơ sở toàn dân và dưới khẩu hiệu dễ nhớ là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Thông tin quản trị tài chính ở VN

VN được coi là một nước đang chuyển đổi và mới phát triển do đó hệ thống thông tin quản trị tài chính (nhất là công bố thông tin)  trên cơ sở vì lợi ích chung của xã hội còn hạn chế. Riêng các khoản vay ngân hàng (dư nợ tín dụng) của DN trong những năm trước đây thường được coi là các con số bí mật và chỉ được lưu hành nội bộ trong một vài cơ quan, hay hết sức bó hẹp – cách hành xử như vậy là rất phù hợp và cần thiết với điều kiện thời chiến của VN. Trong giai đoạn cải cách kinh tế, hoạt động ngân hàng cũng đang được cải cách và cơ chế thông tin cũng đã có cải cách khá nhiều nhưng vấn đề công bố thông tin về DN, nhất là dư nợ vay ngân hàng vẫn chưa hề rõ ràng.

Trên thực tế, dư nợ cho vay của các DN VN trong thời gian qua được ngân hàng giữ bí mật.  Sự bí mật này trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng cho vay một DN và DN lấy khoản vay ngân hàng này trả cho ngân hàng khác mà người ta gọi là cho vay đảo nợ, NHNN cũng thường đưa ra mục tiêu cấm cho vay đảo nợ.

Khảo sát không chính thức về hành vi DN ứng xử với vốn vay ngân hàng ở VN cho thấy, có một khuynh hướng  các DN đang chủ trương “xây bánh vẽ” – Các DN thiết lập một công ty có tài sản rất lớn (như TCty hay dạng tập đoàn kinh tế…) để có điều kiện vay càng nhiều vốn từ  ngân hàng càng tốt. Và do thiếu thông tin nên các ngân hàng đã thi nhau đổ vốn vào đó. Ý kiến từ các chuyên gia kiểm toán cho rằng trong các báo cáo kiểm toán, các giao dịch giữa các công ty con, công ty cháu trong cùng một tập đoàn kinh tế ở VN đang là vấn đề khá quan ngại. Các báo cáo hợp nhất kế toán trong thời gian qua của các tập đoàn đã làm chưa tốt. điều đó cần có một cơ quan công bố về dư nợ ngân hàng, thậm chí có cả nợ xấu…

Bài học về tập đoàn kinh tế lớn của VN đứng trước nguy cơ đổ vỡ năm 2010 cho thấy, thời gian trước đây đã có hàng chục ngân hàng cùng nhau đổ vốn một cách rất cảm tính vào nơi “thùng rỗng kêu to”. Dư nợ cho vay vào đây tăng lên vù vù và lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mà không hề có cơ quan nào biết và kiểm soát được số dư nợ của DN này và thế là DN đã to lại càng to… Và đến khi nó không trả được nợ thì người ta mới nhận ra đây là một cái bẫy bánh vẽ.

Nếu nhìn rộng hơn, thực trạng về tăng vốn tại các DN vừa qua cũng trong tình trạng thiếu cẩn trọng. Các DN tăng vốn hàng ngàn tỷ đồng một cách quá dễ dàng mà với cơ chế  không công bố thông tin, báo cáo khá lỏng lẻo… người ta thường thấy các DN chậm trễ công bố báo cáo kiểm toán và số liệu trước và sau kiểm toán có sự khác biệt khá lớn và có phần gây nghi ngờ. Ngoài ra cơ chế giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn sau khi tăng vốn hàng ngàn tỷ cũng đang là vấn đề nổi lên; Trong thực tế, có DN chỉ với cái đề án tăng vốn sơ sài hoặc nếu có chỉ làm vì… và tăng vốn đủ xong, DN đem tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi, hoặc đầu tư vào các dự án hoàn toàn khác với đề án tăng vốn được đại hội đồng cổ đông thông qua…

Trong nhiều năm qua, CIC (Trung tâm thông tin tín dụng ngân hàng) cũng chỉ có thông tin tương đối hạn chế và chỉ công bố nội bộ… Việc công bố về số liệu có thể là vấn đề cần thời gian… theo kinh nghiệm quốc tế, để tiến tới mô hình quản trị DN hiện đại ở VN, cơ quan chức năng cần công bố xếp hạng DN cho toàn xã hội biết đâu là DN tốt, DN kém và theo đó DN kém sẽ bị loại ra khỏi thị trường một cách có kỷ luật. Một cách bình đẳng, khu vực ngân hàng VN cũng phải có sự phân định rõ đâu là ngân hàng tốt, đâu là ngân hàng kém để người gửi tiền, nhà đầu tư biết và có ứng xử phù hợp. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua NHTM VN không chấp nhận sự xếp hạng bằng việc phản đối Báo cáo xếp hạng của Cty Tín nhiệm VN năm 2009; trong khi khu vực này cũng ít quan tâm đến các xếp hạng của các hãng quốc tế…  

Thay lời kết

Ý kiến chuyên gia cho rằng, một thị trường tín dụng ngân hàng mà trong đó các DN đều được coi là “bằng đầu như vại”, các ngân hàng cũng trong tình trạng đó, không rõ nơi nào tốt hơn nơi nào… thì chứng tỏ thị trường đó đang thiếu thông tin và cần được cải cách theo định hướng là đảm bảo thị trường vận hành theo kỷ cương của nó.

Về mặt pháp lý ở VN, nếu nhìn vào Luật NHNN, bản sửa đổi mới nhất, có thể thấy khuynh hướng lập pháp đang có sự thay đổi theo hướng cơ quan nhà nước sẽ công bố thông tin về số dư nợ cho vay ngân hàng của DN để toàn xã hội giám sát theo nguyên tắc cẩn trọng. Điều 37, luật NHNN  quy định về nhiệm vụ của NHNN về hoạt động thông tin về tình hình diễn biến tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, các quy định đó dường như mới dừng lại ở luật và mang tính chất quy định khung là chính… Rà lại các quy định hướng dẫn dưới luật, vấn đề này dường như vẫn đang được coi là nhạy cảm và vì thế chưa được khơi thông bằng các quy định cụ thể hơn nữa để việc công bố thông tin về dư nợ cho vay khách hàng của NHTM được tuân thủ một cách có hệ thống, bình đẳng và trên phạm vi cả nước mà không phải nơi này mạnh nơi kia yếu như hiện nay.

DN bức xúc vì bị công bố nợ vay     

Sự việc gây tranh cãi xảy ra ở Bạc Liêu sau khi ông Hồ Thái Nguyên – Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh Bạc Liêu đã công bố dư nợ vay NH của nhiều DN ở hội nghị “Bàn giải pháp phối hợp kinh doanh năm 2011” tổ chức ngày 20/1/2011.

Nhiều DN bức xúc cho biết tại đây, Giám đốc NHNN chi nhánh Bạc Liêu đã đọc danh sách 61 DN có dư nợ từ 10 tỉ đồng trở lên. Theo nhiều DN, họ luôn tôn trọng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chấp hành nghĩa vụ vay trả lãi, trả nợ cho các NH. Việc công bố như vậy ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN.

Ngày 9/2/2011, Hội DN trẻ Bạc Liêu đã có văn bản số 02 gửi Thống đốc NHNN và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề: Việc Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu công bố 61 DN lớn của tỉnh có dư nợ tại các NH từ 10 tỉ đồng trở lên có sai luật không, xử lý như thế nào ?

Trả lời văn bản này, ngày 1/3/2011, ông Hồ Thái Nguyên đã ký Công văn số 124 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và Hội DN trẻ Bạc Liêu trong đó nêu: Việc ông công bố danh sách các DN có dư nợ trên 10 tỉ đồng tại các NH là đúng theo Luật NHNN và Luật các tổ chức tín dụng.

Ngày 2/3/2011, Hội DN trẻ Bạc Liêu tiếp tục gửi Văn bản số 09 đến Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông báo các DN bị công bố dư nợ đang gặp khó khăn trong quan hệ làm ăn; yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyên.

Theo một chuyên gia kinh tế, Luật NHNN có hiệu lực từ 1/1/2011, cán bộ, công chức NHNN phải giữ bí mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của NHNN, của các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Nghĩa là, luật chỉ cấm công bố thông tin về tiền gửi của các tổ chức, cá nhân chứ không cấm thông tin tín dụng như tiền vay, nợ xấu của các tổ chức. Ngoài ra, việc Giám đốc chi nhánh NHNN công bố thông tin đó cũng phù hợp quyền và trách nhiệm của NHNN qui định trong Luật về giám sát, tổ chức, công bố thông tin đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống, đảm bảo thị trường tài chính – tiền tệ ổn định.

 

Luật ngân hàng nhà nước quy định

1. Trong hoạt động thông tin, Ngân hàng nhà nước có các nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức thu nhận, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, giám sát việc cung cấp thông tin tín dụng của khách hàng có quan hệ với tổ chức tín dụng cho tổ chức tín dụng;

c) Hướng dẫn việc cung cấp thông tin và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm công bố theo thẩm quyền các thông tin sau đây:

a) Chủ trương, chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng;

b) Quyết định điều hành của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về tiền tệ và ngân hàng;

c) Tình hình diễn biến tiền tệ và ngân hàng;

d) Thông báo liên quan đến việc thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản hoặc giải thể tổ chức tín dụng;

đ) Kết quả tài chính và hoạt động của Ngân hàng nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Bảo vệ bí mật thông tin

1. Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo vệ bí mật của Ngân hàng nhà nước và của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng nhà nước được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước phải giữ bí mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước, của các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Thống kê, phân tích, dự báo tiền tệ

Ngân hàng nhà nước tổ chức thống kê, thu thập thông tin về kinh tế, tiền tệ và ngân hàng trong nước và nước ngoài phục vụ việc nghiên cứu, phân tích và dự báo diễn biến tiền tệ để xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

  ThS Lê Văn Hinh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp