Công bố thông tin kiểu “làm phép” sắp hết thời!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này có thể phần nào được khắc phục khi Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 09 về CBTT trên TTCK có hiệu lực.

Ngày 9/5, Quỹ đầu tư Templeton Frontier Markets Fund (FTIF), cổ đông lớn của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), đăng ký mua hơn 1,9 triệu cổ phiếu, bán 1,29 triệu cổ phiếu DPR. Ngày 26/4, Quỹ Market Vector ETF Trust đăng ký mua 16,5 triệu và bán 1 triệu cổ phiếu VCG. Ngày 6/5, CTCK Bảo Việt đăng ký cùng mua và bán 350.000 cổ phiếu TH1… Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm thông báo giao dịch “lướt sóng” cổ phiếu trong thời gian gần đây. Đối tượng công bố những thông tin này không chỉ là các NĐT tài chính tổ chức như CTCK, các quỹ đầu tư, cổ đông cá nhân mà cả cổ đông nội bộ. Gần đây nhất là việc ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) công bố mua 500.000, bán 450.000 cổ phiếu AAA.

Điều đáng nói, kết quả của những lần đăng ký vừa mua vừa bán ấy chủ yếu là những giao dịch một chiều (gần như chỉ bán hoặc mua)! Sau gần một tháng đăng ký giao dịch, ông Dương chỉ bán 450.000 cổ phiếu mà không hề mua cổ phiếu nào trong số lượng đã đăng ký, dù giá AAA trong kỳ đăng ký giao dịch chỉ bằng khoảng 30% so với mức đỉnh của cổ phiếu này trong quá khứ và bằng 70% so với mức giá đầu năm 2011.

CTCK Sài Gòn – Hà Nội đăng ký mua và bán 500.000 cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu, nhưng kết quả mua 104.750 cổ phiếu và bán 4.000 cổ phiếu. CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) từng đăng ký mua 2 triệu và bán 1,5 triệu cổ phiếu SSI, nhưng lại bán toàn bộ 760.000 cổ phiếu SSI đang sở hữu mà không mua bất kỳ cổ phiếu nào… Nhiều NĐT bức xúc cho rằng, việc cùng mua, cùng bán thực chất chỉ là cách CBTT để hợp thức hóa cho mục đích thực sự (đơn giản là mua hoặc bán cổ phiếu). Cũng có không ít trường hợp, CBTT mua được coi là động thái… khuấy động phong trào, vì người công bố xin mua và bán lượng lớn tới 2 lần liên tiếp mà số lượng cổ phiếu sở hữu vẫn thế vì lý do… thị trường!

Rõ ràng, việc CBTT về giao dịch chỉ giúp công chúng NĐT biết rằng, trong khoảng thời gian đăng ký giao dịch đó, có thể chủ thể CBTT có giao dịch, còn giao dịch gì, mua hay bán hoặc thậm chí là có giao dịch hay không thì phải chờ… hồi sau sẽ rõ. Cách CBTT kiểu tung hỏa mù này có thể là cách để các NĐT tài chính được tự do giao dịch hơn và tránh tình trạng mỗi khi có CBTT mua/bán khối lượng lớn thì giá cổ phiếu lại tăng/giảm mạnh. Nhưng đối với các cổ đông nội bộ thì cách làm này lại gây nên nhiều điều tiếng. Đã có ý kiến cho rằng, là những người giữ vị trí quan trọng tại DN mà cổ đông nội bộ lại phải mua/bán trong tình trạng mập mờ như trên thì liệu họ có đáng tin cậy ở vị trí đang đảm nhiệm?

Tuy nhiên, việc cổ đông nội bộ tận dụng thông tin để lướt sóng sẽ được giảm thiểu khi Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 09 có điều khoản quy định, cổ đông nội bộ và người có liên quan không được đăng ký mua/bán cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trong cùng một khoảng thời gian.

Ở đây, không biết vô tình hay cố ý, dự thảo sửa đổi Thông tư 09 đã bỏ sót đối tượng cổ đông lớn, những người vốn chiếm số đông trong các thông tin đăng ký lướt sóng gần đây. Với đối tượng này, nên chăng, với mỗi công bố mua/bán cổ phiếu, cơ quan quản lý cần yêu cầu NĐT chứng minh khả năng tài chính và giải trình một cách chi tiết, hợp lý hơn lý do không mua/bán được cổ phiếu nếu có.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu để NĐT lớn CBTT giao dịch như hiện tại thì thà đừng bắt CBTT còn hơn. Bởi nếu NĐT lớn tích cực giao dịch thì sẽ tăng thanh khoản cho cổ phiếu. từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với các cổ đông lớn là NĐT tài chính đơn thuần, UBCK chỉ nên giám sát hậu giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu ở các ngưỡng lớn như 5%, 10%, 20%… chẳng hạn và tăng cường giám sát để tránh tình trạng giao dịch trên thông tin nội bộ, thao túng giá, hơn là yêu cầu CBTT mà không có giá trị gì như hiện tại.

Bùi Sưởng
Nguồn: Báo điện tử ĐTCK