Công cụ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn rối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chứng khoán bối rối…

Theo quy định tại Điều 18 mục 3 khoản c của Nghị định 85/2010/NĐ-CP mới ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vừa được ban hành (thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP đã có trước đây), từ ngày 20-9 tới, công ty chứng khoán sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và không trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng cho đến nay, theo các công ty chứng khoán, họ vẫn chưa biết thực hiện ra sao do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng, cho biết công ty ông không biết phải thực hiện quy định trên như thế nào vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên cũng khó thực hiện vì Việt Nam dường như vẫn chưa có sản phẩm đặc thù này. “Còn nếu không mua bảo hiểm thì công ty buộc phải lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, nhưng cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn quỹ này được trích lập như thế nào, trích trên doanh thu hay lợi nhuận, xử lý đền bù ra sao, báo cáo theo niên độ nào…”, ông Chinh nói.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư là điều cần thiết. “Tuy nhiên, mức phí ra sao, điều kiện bảo hiểm thế nào thì hiện nay trên thị trường chưa có nhiều sản phẩm cho các công ty chứng khoán lựa chọn”, vị này cho biết.

Vị đại diện trên cũng cho rằng, để triển khai thực hiện mua bảo hiểm trong lĩnh vực chứng khoán đòi hỏi thị trường phải phát triển ở một trình độ cao (như một số thị trường Mỹ hay Nhật Bản…). Ở những thị trường trên, đa phần các nhà đầu tư đều thông qua các tổ chức tài chính và họ có hệ thống pháp lý lâu đời, rõ ràng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mới hoạt động 10 năm, hơn 80% là nhà đầu tư cá nhân, mơ hồ về luật; vì vậy rất khó khăn cho các công ty chứng khoán nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì buộc phải lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư theo như quy định mới.

Liên quan đến việc lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đặt vấn đề: thế nào là bảo vệ nhà đầu tư, cần phải xem xét trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư là thuộc cơ quan quản lý hay của các công ty chứng khoán. “Chính vì chưa rõ những điểm này, vì thế rất khó để các công ty chứng khoán thực thi nghĩa vụ lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư”, vị này nói.

Bảo hiểm cũng loay hoay…

“Hiện đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ triển khai bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhiều ngành nghề như tư vấn xây dựng, luật sư, bác sĩ…, nhưng lĩnh vực chứng khoán thì hầu như chưa có sản phẩm nào”, một đại diện của Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long cho hay.

Cũng theo vị đại diện trên, từ nửa năm nay Bảo Long có nghiên cứu sản phẩm cho lĩnh vực chứng khoán, cụ thể là sản phẩm cho môi giới chứng khoán nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân là quy tắc chung cho các nghiệp vụ của các công ty chứng khoán và mức giá cho từng sản phẩm bảo hiểm cụ thể chưa thể xác định được, trong khi bảo hiểm chứng khoán có tính rủi ro rất cao.

“Hiện rất thiếu cơ sở dữ liệu để tính toán mức độ rủi ro đối với mỗi nghiệp vụ tại công ty chứng khoán. Do vậy, rất khó để có được một quy tắc chung và mức giá cụ thể để công ty bảo hiểm có thể chào bán phần tái bảo hiểm cho khách hàng”, vị này cho biết.

Mới đây, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, trong một cuộc họp thường kỳ có bàn đến việc doanh nghiệp nào đã nghiên cứu và triển khai được sản phẩm trong lĩnh vực chứng khoán thì đưa ra cho các thành viên khác tham khảo. Thế nhưng vẫn chưa có một doanh nghiệp bảo hiểm nào của Việt Nam triển khai sản phẩm trên.

Cũng theo vị trên, muốn triển khai các sản phẩm cho lĩnh vực chứng khoán thì các công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm cần thống nhất cách hiểu về các nghiệp vụ, lĩnh vực, điều kiện phải mua bảo hiểm,… từ đó mới có cơ sở thuận tiện cho các công ty bảo hiểm triển khai sản phẩm có liên quan.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về những vấn đề trên, Trưởng ban Pháp chế Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Nguyễn Thế Thọ, cho biết sắp tới ủy ban sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện Nghị định 85/2010/NĐ-CP.

Và như thế, cả các công ty chứng khoán lẫn công ty bảo hiểm vẫn phải chờ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online