Công khai để người dân giám sát 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Y tế vừa khai trương Cổng công khai y tế, đây là quyết tâm lớn trong việc minh bạch hoạt động của ngành y tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đó cũng là một trong trong những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn mà còn góp phần ngăn chặn những tiêu cực, tham nhũng xảy ra.

Dù không nhiều nhưng thời gian qua, lĩnh vực y tế đã từng xảy ra những tiêu cực gây bức xúc dư luận. Đó là những vi phạm trong công tác đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, điều này dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, thiết bị y tế không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng. Vụ việc xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bắt tay với doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là một bài học đắt giá đối với việc kiểm soát giá thiết bị y tế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai sót, vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm trang thiết bị là do chúng ta đang thiếu cơ chế cung cấp thông tin một cách minh bạch về những sản phẩm, thiết bị thuộc diện đấu thầu. Chỉ khi sự việc bị các cơ quan chức năng phanh phui thì thông tin về giá thiết bị mới được người dân biết đã trở nên quá muộn. Tiếc rằng, điểm “nghẽn” thông tin này không còn là câu chuyện của riêng ngành y tế. Thực tế trong một số lĩnh vực những vi phạm tương tự trong hoạt động đấu thầu dự án đất đai, hay mua sắm tài sản công cũng đã từng xảy ra, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng, trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Ngoài ra, công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục trực tiếp tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi giải quyết công việc… Quy định pháp luật là vậy, nhưng cơ chế công khai minh bạch không phải lúc nào cũng được cơ quan, bộ, ngành tuân thủ nghiêm. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng để “hành” dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Đây cũng là căn nguyên dẫn đến những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu cũng như thực hiện các dịch vụ công. Để ngăn chặn tình này, cơ chế minh bạch thông tin là điều rất cần thiết.  

Việc Bộ Y tế công khai 5 lĩnh vực: dược, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; an toàn thực phẩm; khám chữa bệnh; hành chính công trên Cổng công khai y tế giúp người dân và doanh nghiệp nắm được giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… Những thông tin này rất hữu ích giúp cho người dân lựa chọn dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện của mình; giúp cho doanh nghiệp có được môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc cung cấp dược phẩm cũng như vật tư, thiết bị y tế. Và điều quan trọng là sẽ kéo giá thiết bị và vật tư y tế về giá trị thực. 

Việc công khai lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành; công khai các dịch vụ công là yêu cầu đã được đặt ra. Điều này nhằm thiết lập mối quan hệ tương tác giữa chính quyền – doanh nghiệp – người dân trở nên tốt hơn. Các bên tham gia được điều chỉnh trên nguyên tắc của sự minh bạch và tin cậy. Việc minh bạch thông tin sẽ ngăn chặn được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp của một số cán bộ, công chức, viên chức. Điều cơ bản là việc công khai sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện quyền giám sát của mình. Qua đó, góp phần phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sớm các sai phạm xảy ra.

“Thông qua Cổng công khai y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp”, đây là điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh. Mong rằng, quyết tâm xây dựng cơ chế minh bạch này sẽ được lan tỏa đối với các bộ, ngành khác. Cùng với đó, các bộ, ngành thực hiện mức độ công khai thông tin ở mức tối đa, tránh tình trạng có công khai nhưng chỉ cầm chừng hay chỉ công khai “cho có”.