Công nghiệp có dấu hiệu hồi phục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không chỉ tiếp tục đà tăng giá trị sản xuất công nghiệp, mà việc chỉ số hàng tồn kho của các ngành công nghiệp, đang được Tổng cục Thống kê (TCTK – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán và công bố mang tính chất tham khảo, đã giảm dần qua các tháng trong năm có thể coi là dấu hiệu chuyển biến tích cực của sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định đạt 324.200 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (16,5%), song nếu nhìn vào tốc độ tăng 7,4% của quý II, sau khi chỉ tăng 2,1% trong quý I, thì có thể hy vọng vào một sự chuyển biến tốt hơn trong hai quý còn lại của năm.

Trong khi đó, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến tại ngày đầu tiên hàng tháng, kể từ tháng 1 tới tháng 6/2009 so với cùng kỳ đã giảm dần, từ 170,7% của tháng 1, xuống lần lượt là 170,5%; 164,6%; 152,4%; 137,6% trong các tháng tiếp theo và dừng ở mức 134,6% trong tháng 6.

Điều này cho thấy, mức tiêu thụ của các sản phẩm công nghiệp đã tốt hơn và nhờ vậy, đã có tác động ngược trở lại với sản xuất của các doanh nghiệp.

Để nhìn chính xác hơn về sản xuất công nghiệp, có thể căn cứ vào chỉ số phát triển sản xuất (IIP), mà TCTK lần đầu tiên vừa công bố.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng TCTK, nếu tính theo IIP, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trong quý I và 6 tháng đầu năm lần lượt là 1,5% và 4,5%.

“Sở dĩ con số này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định, là do chỉ số IIP chỉ sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm, nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng kết quả sản xuất giữa các ngành công nghiệp. Chính vì thế, nên có tính xác thực lớn hơn”, ông Lâm phân tích.

Dù chỉ số tiêu thụ, một trong bộ 3 chỉ số IIP mà TCTK dự tính áp dụng chính thức từ năm 2011, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ để đánh giá toàn diện hơn chu kỳ và xu hướng sản xuất – tiêu thụ – tồn kho của các ngành công nghiệp, chưa có số liệu cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, song rõ ràng, dù nhìn trên bất kỳ phương diện nào, cũng có thể thấy xu hướng hồi phục của sản xuất công nghiệp.

Đà suy giảm có thể đã được chặn lại. Vấn đề còn lại là, trong 6 tháng tới đây, sản xuất công nghiệp sẽ phát triển theo hướng nào, khi mà phía trước vẫn còn không ít thách thức.

Khó khăn lớn nhất có thể kể đến, đó là nhiều loại nguyên, nhiên liệu đầu vào sẽ tiếp tục tăng giá. Đây là một nguy cơ có thật, được khá nhiều chuyên gia kinh tế đề cập trong thời gian qua, bởi giá dầu thô trên thị trường thế giới gần đây đã lên tới hơn 72 USD/thùng.

Giá dầu tăng có thể kéo theo giá một loạt sản phẩm khác cũng sẽ tăng theo. Theo bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại – Dịch vụ – Giá cả (TCTK), thì sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ khiến nhu cầu nguyên liệu sản xuất tăng cao và điều đó sẽ tác động đến giá cả các loại mặt hàng này.

Nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao trong khi đầu ra chưa thực sự ổn định và hồi phục sẽ khiến sản xuất công nghiệp càng thêm khó khăn.

Tuy cầu của thị trường thế giới đã bắt đầu tăng, song theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt ở thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước lại phải đối mặt với hàng hóa nhập khẩu, thậm chí là nhập lậu của nước ngoài, đặc biệt là hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Trong khi hệ thống phân phối chưa thực sự chuyên nghiệp, cộng thêm việc dù đã quan tâm quay trở về với thị trường nội địa, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ngay lập tức cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu trong nước. Điều này tất yếu sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước.

Dẫu sao, trong một báo cáo gần đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia vẫn tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, bên cạnh những khó khăn, vẫn còn không ít yếu tố thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

Đó là khả năng phục hồi sớm của nền kinh tế thế giới đem lại hy vọng tăng trưởng xuất khẩu trở lại với nhiều mặt hàng công nghiệp, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ở chiều ngược lại, với những dự báo khả quan về kinh tế trong nước, sự phục hồi và tăng trưởng của cầu hàng hóa nội địa cũng khá khả thi. Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm cũng là thời gian mà gói kích cầu của Chính phủ phát huy hết hiệu quả và điều đó sẽ mang đến sinh lực mới cho nền kinh tế.

Theo Hà Nguyễn
Đầu tư