Công nghiệp hỗ trợ "ảm đạm": Doanh nghiệp VN có nguy cơ mất cơ sở chế tạo?!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Dở khóc, dở cười” vì CNHT

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Mitsuo Sakaba cũng bắt đầu quan tâm đến CNHT khi nhậm chức vào đầu năm 2008. ông Sakaba đã bị “sốc mạnh” khi biết thực trạng ngành CNHT nội địa đã cản trở doanh nghiệp Nhật đầu tư vào đất nước ông sắp làm đại sứ. “Tôi đã sốc khi phát hiện tỷ lệ cung ứng hàng hóa tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật trong quy trình chế tạo còn rất thấp, phần lớn các linh kiện đều phải nhập ngoại. Vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có quá nhiều việc phải làm”, ông Sakaba chia sẻ.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các mặt hàng công nghiệp phụ trợ do doanh nghiệp nội địa sản xuất có giá trị thấp, sản phẩm chủ yếu là bao bì đóng gói, phụ tùng và linh kiện đơn giản. ông Hưng lấy dẫn chứng, một doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất rượu tại Việt Nam đã “dở khóc, dở cười” bởi trong số các sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất, phía công ty chỉ dùng được thùng carton. Tất cả các sản phẩm khác, thậm chí đến vỏ chai rượu cũng phải nhập do sản phẩm nội địa không đáp ứng được yêu cầu chất lượng lẫn độ phối màu cần thiết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ở các nước đang phát triển, tiến trình của CNHT thường trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1, sản phẩm CNHT ít để đáp ứng nhu cầu, chủ yếu phải nhập khẩu; Giai đoạn 2, số lượng sản phẩm CNHT đã tăng lên, nhưng chất lượng không cao và chưa có khả năng cạnh tranh; Giai đoạn 3, khối lượng sản phẩm CNHT ngày một tăng và đặc biệt đã xuất hiện những sản phẩm độc đáo, thỏa dụng phần nào nhu cầu của các ngành công nghiệp chính nên lượng nhập khẩu bắt đầu giảm; Giai đoạn 4, sản xuất CNHT phát triển cao hơn với nhiều nhà sản xuất nên đã xuất hiện sự cạnh tranh ngay trong nội địa, từ đó tạo ra động lực nâng cao chất lượng, hạ giá thành; Trong giai đoạn 5, năng lực của CNHT được phát triển, bắt đầu xuất khẩu sản phẩm CNHT.

Việt Nam hiện nay có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến CNHT, trong đó nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu nhìn vào giai đoạn trên theo quan điểm của các chuyên gia thì CNHT của Việt Nam phần lớn chưa thoát khỏi giai đoạn 1 (CNHT đóng tàu, dệt may, ô tô) nhưng có ngành đã đứng chân được ở giai đoạn 2 (CNHT ngành điện tử) và có ngành cũng chạm được vào giai đoạn 3 (CNHT ngành xe máy). Sự yếu kém của ngành CNHT Việt Nam thể hiện ở sự yếu kém của chính sản phẩm hỗ trợ và sự yếu kém của các nhà doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ.

Ông Sachio Kageyama, Giám đốc Canon Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản để cùng có những hợp tác phát triển. Canon Việt Nam không thể làm gì nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đề xuất.

“Mấu chốt” để giảm nhập siêu

Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (VDF), GS.Keinichi Ono khuyến cáo: “Việt Nam nên xây dựng các mục tiêu cụ thể thay vì cứ tổ chức các cuộc hội thảo đưa lại ít hiệu quả. Phía nhà nước cần chỉ ra cần làm những cái gì, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, cơ khí cũng cần đưa ra các kiến nghị của mình. Có như vậy chúng ta mới xây dựng được lộ trình hợp lý”.

Vụ trưởng Vụ Xúc tiến công nghiệp, Bộ Công nghiệp Thái Lan, ông Panuwat Triayangakulsri cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Để cạnh tranh với các nước trong khu vực về sản xuất các linh kiện, chủ trương của Chính phủ Thái Lan là tận dụng đầu tư của nước ngoài để phát triển đầu tư trong nước. Chính vì thế Thái Lan đã tập trung vào ngành công nghiệp ô tô và hiện là nước sản xuất ô tô đứng thứ 14 trên thế giới, với 16 nhà lắp ráp, tổng công suất là 1, 4 triệu xe năm 2008, trong đó xuất khẩu là 56%, tỷ lệ nội địa hóa chiếm đến 80 – 90% đối với dòng Pick up và 30 – 70% đối với xe khách”.

GS.Keinichi Ono “hiến kế”, về phía Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì việc này, cần phải chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, kỹ năng, và chuyển giao công nghệ… Bởi trong chương trình hợp tác với Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, người Nhật hoàn toàn không muốn công nghệ thấp lẫn vào. Theo ông, điều này rất phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam. Bởi muốn thu hút những nhà lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, nhất thiết cần phải có những doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất chi tiết, linh kiện ở trình độ công nghệ cao. Ngoài ra, vị Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản này cũng cho rằng, về phía VCCI, một trong những sách thực hiện CNHT một cách hữu hiệu với quá trình thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản là thành lập các hiệp hội ngành nghề đối với từng loại công nghiệp hỗ trợ, tương ứng với các hiệp hội ở Nhật Bản, và đặt quan hệ hợp tác trực tiếp. “Nếu càng nhanh chóng sản xuất được phụ tùng, phụ kiện, Việt Nam sẽ giảm được nhập siêu, thay vì trông chờ vào việc xuất khẩu tài nguyên”, GS.Keinichi Ono nhêën maånh.

T.Hường
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử