Công ty cổ phần ’trần ai’ xin tăng vốn điều lệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công ty Cổ phần Cao su Sài Gòn – Kymdan (sau đây gọi là Công ty Kymdan) vừa tổ chức phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông. Tại phiên họp này, ông Nguyễn Hữu Trí- Chủ tịch HĐQT Công ty Kymdan – thông báo tin vui rằng năm nay doanh thu của Kymdan chắc chắn sẽ vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Trí cũng trăn trở cho biết Kymdan đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Cụ thể chỉ riêng 09 tháng đầu năm năm 2010, Công ty Kymdan đã chịu tổng cộng 25 cuộc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan ban ngành quản lý Nhà nước, trong đó có cả Kiểm toán Nhà nước mặc dù hàng năm Công ty đều có thuê kiểm toán độc lập.

Hơn thế nữa, Công ty Kymdan cũng gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do có sự hiện diện của phần vốn Nhà nước trong Công ty.

Mất 6 tháng để nói “không”

Từ ngày 01-01-1999, công ty Kymdan chính thức trở thành công ty cổ phần.

Có được thế mạnh về sự góp vốn đầu tư dồi dào của các cổ đông, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thành lập các đơn vị trực thuộc, mua sắm mới trang thiết bị hiện đại, tự thiết kế các qui trình tự động hóa sản xuất, không còn sản xuất thủ công như trước đây, tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước.

Lúc đầu, phần vốn góp của Nhà nước trong Công ty Kymdan chiếm 10% tổng vốn điều lệ, do Cục Quản lý Vốn đại diện. Năm 2000, Công ty quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên phải huy động thêm nguồn vốn, đăng ký tăng vốn điều lệ, tức phát hành thêm cổ phiếu.

Vào giai đoạn này, Công ty Kymdan đã phải mất 6 tháng để đại diện phần vốn Nhà nước chờ ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở TPHCM như Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Cục Quản lý Vốn, UBND TP. HCM,…

Cuối cùng, UBND TP.HCM quyết định không mua thêm cổ phần nên tỉ trọng phần vốn góp của Nhà nước giảm xuống chỉ còn là 5,84% trong tổng vốn điều lệ 105 tỷ đồng của Kymdan.

Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Hữu Trí sở hữu tới 58% vốn điều lệ, cổ đông là CB-CNV của Kymdan chiếm 36,16%, phần vốn góp của Nhà nước chỉ chiếm 5,84% tổng Vốn điều lệ. Với cơ cấu vốn như trên, có thể nói Kymdan là công ty gia đình. Nhưng nghịch lý ở chỗ, Nhà nước tuy chỉ chiếm 5,84% tổng vốn điều lệ, nhưng gần như “vô hiệu hóa” quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong việc tăng vốn điều lệ.

Để đạt tới mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng, ngoài việc đầu tư máy móc thiết bị mở rộng sản xuất còn phải đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc để đáp ứng được lượng nhân sự ngày càng tăng. Chính vì vậy mà công ty Kymdan mua lại nhà xưởng của HTX Thủy tinh Tiền Phong ở số 16 Bình Thới, Quận 11 (kế bên trụ sở công ty Kymdan) với giá 1.649.200.000 đồng để trước mắt bố trí làm nơi để xe cho CBCNV sau đó có kế hoạch xây dựng mở rộng trụ sở làm việc.

Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng cách chuyển giá trị chuyển nhượng thành vốn góp cổ phần của các xã viên HTX Thủy tinh Tiền Phong vào Công ty Kymdan, bà con xã viên trở thành những cổ đông mới của Kymdan, đồng thời Công ty Kymdan xúc tiến các thủ tục xin tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng Cổ đông Công ty Kymdan họp và nhất trí thông qua.

Ngày 16/10/2009 công ty Kymdan nộp hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 105 tỷ đồng lên 106,6492 tỷ đồng tại Sở KHĐT TPHCM thì được Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu bổ sung ý kiến của đại diện vốn Nhà nước.

Mặc dù Tổng công ty Liksin (đơn vị đại diện phần vốn góp Nhà nước tại Công ty Kymdan sau khi Cục quản lý vốn trở thành Chi cục tài chính Doanh nghiệp thuộc Sở Tài Chính TP.HCM) có văn bản đề nghị UBND TP và Chi cục tài chính doanh nghiệp chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của công ty Kymdan, nhưng ngày 31/11/2009 Chi cục tài chính doanh nghiệp có văn bản cho rằng HTX Thủy tinh Tiền Phong bán nhà xưởng nhà nước cho Công ty Kymdan là sai nên đề nghị thanh tra.

Tuy nhiên theo Kết luận thanh tra số 468/KL-TTTP-P2 ngày 7/9/2010 của Thanh tra thành phố thì việc HTX Thủy tinh Tiền Phong chuyển nhượng nhà xưởng tại số 16 Bình Thới cho công ty Kymdan là phù hợp với quy định của pháp luật; số tiền chuyển nhượng nhà xưởng là 1.649.200.000 đồng được thanh toán bằng hình thức chuyển thành vốn góp của bà con xã viên HTX vào công ty Kymdan thông qua việc phát hành 16.492 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần.

Từ đó Thanh tra thành phố đề nghị Chi cục trưởng Chi cục tài chính doanh nghiệp chỉ đạo phòng chức năng giải quyết việc xin tăng vốn điều lệ của Công ty Kymdan theo quy định hiện hành. Thế nhưng khi công ty Kymdan liên hệ Sở KHĐT thì sở này lại cho biết là không ai chỉ đạo nên chưa giải quyết cho Kymdan tăng vốn điều lệ được.

Thế là công ty Kymdan lại phải … chờ. Nhiều cổ đông của Kymdan than phiền “Không biết chúng tôi lại chờ đến khi nào?”.

Chỉ đạo không căn cứ vào luật

Khi chúng tôi đưa câu chuyện xin tăng vốn điều lệ của Kymdan tới hỏi các luật sư, họ đều có chung lập luận rằng: Kymdan là công ty cổ phần nên nó hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 và những văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc tăng vốn điều lệ chỉ cần được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận là được. Thế nhưng với những gì đã xảy ra ở trên thì rõ ràng hoạt động của Kymdan vẫn còn vướng bởi cơ chế quản lý như một doanh nghiệp quốc doanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ngày 26/7/2008, Văn phòng HĐND và UBND TPHCM có văn bản số 6018/VP-CNN gửi Chi cục Tài chính doanh nghiệp, các Tổng công ty và công ty nhà nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín, theo đó “Giao Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố có trách nhiệm kiểm tra rà soát, phân tích và có chính kiến để đề xuất UBND TP trong việc giải quyết cho các Tổng công ty và các công ty nhà nước tham gia mua, không mua, bán một phần hoặc bán hết cổ phần Nhà nước tại các công ty cổ phần (công ty Nhà nước đã chuyển đổi) phát hành tăng vốn điều lệ. Đề nghị các Tổng công ty và các công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM và chấm dứt tình trạng không báo cáo xin phép tăng, giảm vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần và xử lý những doanh nghiệp cố tình không báo cáo UBND TP”.

Phải chăng văn bản này là “chướng ngại vật” cản trở quyền tăng vốn điều lệ của Kymdan?

Ông Lê Hoàng Hải, thành viên HĐQT, do Tổng Công ty Liksin ủy quyền đại diện phần vốn nhà nước ở công ty Kymdan cũng bức xúc nói rằng Kymdan có khó khăn về cơ chế khi xin tăng vốn. Mặc dù vốn nhà nước ít nhưng khi đặt vấn đề tăng vốn thì luôn gặp khó khăn.

Chính vì những vướng mắc trong quá trình đăng ký tăng vốn điều lệ mà doanh nghiệp không thể đầu tư tăng trưởng được. Điều này trái với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM:

“HOÀN TOÀN TRÁI VỚI PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH”.

Tại khoản 2 Điều 5 của Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (Ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 của Chính phủ) có quy định như sau: “Chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác thực hiện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông hoặc người góp vốn và việc cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó”.

Doanh nghiệp khác ở đây được hiểu là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005, luật hợp tác xã.

Căn cứ theo quy định trên thì Công ty Kymdan hoàn toàn có quyền áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp để thực hiện việc tăng vốn điều lệ của mình. Trong trường hợp không đồng ý với việc tăng vốn điều lệ của Kymdan, đại diện phần vốn của nhà nước có thể thực hiện quyền cổ đông để phản đối điều này.

Việc chỉ đạo về việc đồng ý hay không đồng ý cho Kymdan tăng vốn chỉ được áp dụng đối với người đại diện phần vốn của Tổng Công ty Liksin. Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Kymdan chỉ được thực hiện chỉ đạo trên cơ sở thực hiện các quyền của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, nếu Sở Kế hoạch và Đầu tư không chịu giải quyết hồ sơ xin tăng vốn điều lệ của Công ty Kymdan vì lý do không có ai chỉ đạo nên chưa giải quyết cho Kymdan tăng vốn điều lệ được là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật hiện hành nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng. 

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính:

“KHÔNG CÓ BẤT KỲ LÝ DO GÌ ĐỂ NGĂN CẢN”.

Cơ quan quản lý phần vốn góp của nhà nước thực hiện chức năng quản lý như thế nào đối với phần vốn chiếm 5,84% vốn điều lệ trong Công ty– Kymdan cũng phải căn cứ vào văn bản pháp quy đang có hiệu lực thực hiện và không thể làm khác với nội dung Luật doanh nghiệp hiện hành.

Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ phải thông qua Đại hội đồng cổ đông. Nếu Đại hội đồng cổ đông của công ty Kymdan đã biểu quyết hợp lệ theo luật doanh nghiệp, các cổ đông đại diện cho ít nhất là 75% vốn điều lệ của công ty đồng ý tăng vốn thì cơ quan quản lý này hay các ban ngành có liên quan của TPHCM cũng không thể lấy bất kỳ lý do gì để ngăn cản việc thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông của công ty Kymdan. Nếu cơ quan quản lý phần vốn góp Nhà nước vẫn can thiệp vào hoạt động cụ thể của Công ty Kymdan hoặc Sở KHĐT không giải quyết cho Kymdan tăng vốn điều lệ thì đại diện theo pháp luật của công ty Kymdan có thể khởi kiện ra Tòa hành chính để được giải quyết.

ĐĂNG BÌNH  – THÚY AN
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam