“Cơ chế” mới cho cà phê
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Thành Biên cho biết, dự thảo văn bản về điều kiện kinh doanh cà phê đang được Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT xây dựng và lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành có liên quan. Ông cho rằng, việc quy định về điều kiện kinh doanh, XK cà phê là cần thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.

Sẽ chỉ còn 40 DN ?

Theo đó, điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh XK cà phê bao gồm DN được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 1 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tham gia chế biến và XK cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê XK tối thiểu 5.000 tấn/năm, có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu là 5.000 tấn/năm; minh bạch về tài chính… Chuyên gia cao cấp lĩnh vực cà phê Đoàn Triệu Nhạn cho biết, VN hiện có khoảng 160 DN đang tham gia vào XK cà phê. Số lượng DN tham gia XK quá lớn đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán gây ảnh hưởng không tốt đối với uy tín và chất lượng của sản phẩm cà phê VN. “Thương hiệu, uy tín cà phê VN lâu nay bị ảnh hưởng đều xuất phát từ nguyên nhân các DN, cơ sở XK nhỏ, vì những DN này không đầu tư dây chuyền chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn, thiếu hệ thống kho tàng. Vì vậy, việc đưa ra điều kiện cho DN XK cà phê VN là cần thiết” – ông Nhạn nói.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nếu điều kiện kinh doanh cà phê được ban hành, ước tính chỉ còn  khoảng 40 – 50 DN tại VN đủ điều kiện XK mặt hàng này. Mặc dù số lượng DN cà phê XK nhiều như vậy, nhưng trên thực tế chỉ bán cho 20 DN nước ngoài có đại diện tại VN. 20 DN này lại bán cho 8 nhà rang xay toàn thế giới chiếm khoảng 80% lượng cà phê toàn cầu. Rõ ràng, nhiều người trồng, người bán nhưng rất ít người mua. Thực tế này rất bất lợi, đòi hỏi phải hạn chế số lượng DN XK và tăng cường chế biến.

Không những vậy, theo dự thảo này, đối tượng được áp dụng không chỉ các DN VN mà các DN FDI cũng phải đủ điều kiện mới được tham gia XK. Còn nhớ, trong cuộc họp của 20 DN XK cà phê hàng đầu VN tổ chức mới đây, các DN cho biết, gần 1/2 lượng cà phê niên vụ 2010 – 2011 đã vào tay các DN FDI. Nhiều DN trong nước khốn đốn vì không có hàng XK, phải hoạt động cầm chừng. Đặc biệt mới đây có tin tỉnh Đăk Lăk đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cho một DN nước ngoài trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao VN (VICOFA) cho rằng nhiều người cho đó là cơ hội nhưng lại không lường trước những ẩn họa phía sau toan tính từ các nhà kinh doanh nước ngoài.

“Nguy cơ sụp đổ toàn bộ thị trường cà phê VN là điều hoàn toàn có thể nếu để DN ngoại nắm tận “gốc” cây cà phê” – ông Nam nói.

Đòn bẩy thị trường

Từ những bất cập trên đây của ngành cà phê, thiết nghĩ để ngành cà phê phát huy được sức mạnh của mình, trước hết ngay chính bản thân các DN cần có sự chuyên nghiệp hoá trong sản xuất kinh doanh, các DN cũng cần liên kết lại để nâng cao hình ảnh, thương hiệu cà phê trên trường quốc tế. Còn nhớ, năm 2001, thị trường cà phê VN tưởng chừng như sụp đổ vì mức lỗ lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại được Chính phủ cho phép mua tạm trữ và đã vực dậy được. Điều đó cho thấy nếu sức mạnh của một ngành hàng được quy về đầu mối sẽ có thể điều tiết được cả thị trường. Thực tế đã chứng minh một số ngành hàng của VN như cao su, lương thực, hồ tiêu… đã làm được điều này.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, với thế mạnh về vốn lẫn công nghệ, việc đáp ứng những quy định nói trên không phải là điều quá khó đối với các tập đoàn mua nông sản nước ngoài. Chính vì vậy, theo ý kiến của một DN: “Nhà nước có thể kiểm soát việc tranh mua, tranh bán cà phê nguyên liệu bằng cách khác, chứ không nên áp dụng những biện pháp hành chính như vậy”, một DN xuất khẩu cà phê nhận xét. Nói như vậy để thấy rằng, mọi điều kiện của một ngành kinh doanh nào đó cũng cần đòn bẩy thị trường. Bởi mọi điều kiện chỉ nên dừng ở chỗ là một hành lang pháp lý để DN hoạt động chứ không phải để… xiết DN.

Đã đến lúc ngành cà phê cần “lột xác” làm mới mình. Việc có một “quy chế” hay điều kiện rõ ràng để một DN có thể tham gia vào “sân chơi” này là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng cần tìm một chuẩn mực nhất định đáp ứng cả yêu cầu của thị trường và DN.

Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao VN:
Kinh doanh phải có chuẩn mực

Theo tôi, chúng ta không nên hạn chế số lượng DN cà phê, nhưng kinh doanh phải có chuẩn mực, không để tự do, tản mạn như hiện nay. Hiện nay, vai trò của các Hiệp hội còn chưa rõ nét, sản xuất vẫn manh mún, phân tán, sự liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ còn chưa cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi giá tốt thì các DN nước ngoài thu mua, bất chấp chất lượng. Từ đây cũng nảy sinh ra thói quen cho người sản xuất hàng hoá mà không quan tâm nhiều đến chất lượng.

Bên cạnh đó, tình trạng xuất thô là một trong những nhược điểm của ngành cà phê VN. Hiện, ngành cà phê sản xuất tập trung chỉ 10%, 90% còn lại là sản xuất cá thể. Phần lớn các hộ sản xuất cá thể chỉ có 2ha trở xuống, nên đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê không hề đơn giản. Trong chiến lược phát triển 15 -20 năm tới, ngành cà phê đã kiến nghị với Chính phủ nên đẩy mạnh và hỗ trợ đầu tư vào chế biến, cố gắng đưa cà phê chế biến chiếm 20-25% lượng cà phê XK. Bởi thực tế, lợi nhuận nằm ở khâu rang xay, chế biến là chủ yếu.

Ông Nguyễn Xuân Thái – TGĐ Cty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, Đắk Lắk:
Trái quy luật thị trường

 Việc đưa ra điều kiện XK cà phê là trái quy luật thị trường. Thay vào đó cần xem tính hiệu quả của DN XK cà phê để làm tiêu chí, không thể căn cứ vào số lượng cà phê XK hàng năm rồi mới cho phép DN đó được phép xuất khẩu hay không.Vừa qua có DN XK cà phê với khối lượng 150.000 tấn/năm nhưng khi thống kê lại thì DN này bị lỗ vì những quyết định mua bán không hợp lý. Do đó, cần xem lại quy định DN đủ điều kiện đã tham gia chế biến và XK cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê XK tối thiểu 5.000 tấn/năm sẽ làm khó DN XK cà phê có số lượng ít nhưng hiệu quả cao.

Ông Vân Thành Huy – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần đầu tư XNK Đăklăk:
Điều kiện cụ thể

Tôi ủng hộ việc giảm đầu mối XK, nhưng điều kiện như thế nào cần phải cụ thể. Hiện nay có nhiều DN nhỏ, mỗi năm chỉ XK được 2-3 container, XK không đảm bảo về giá theo thị trường, nhiều khi các DN này bị các Cty nước ngoài lợi dụng cho rằng các DN VN bán phá giá. Tuy nhiên, cũng có những DN tuy lượng sản xuất không lớn nhưng lại thu về lợi nhuận rất lớn. Tôi lấy ví dụ,  Cty Thắng lợi ở Đăklăk, họ  chỉ sản xuất khoảng 3000 tấn/năm, nhưng DN này chỉ sán xuất cà phê chất lượng cao, do vậy nếu tính theo dự thảo này thì DN này không đạt yêu cầu 5.000 tấn. Tuy nhiên, cà phê họ XK là cà phê chất lượng cao và lợi nhuận thu về lớn.  Hay có DN chỉ sản xuất và XK 2000 tấn, quản lý nông trường cà phê 1000ha. Điều đáng nói là DN này tự sản xuất và tự tiêu thụ từ A – Z. Tôi cho rằng mô hình kinh doanh này rất tốt, tuy nhiên nếu cứ theo dự thảo này thì chẳng lẽ DN này sẽ bị loại khỏi “sân chơi”. Tôi cho rằng, những DN nhỏ không có kho chứa hàng thành phẩm XK, không chế biến mà chỉ thu mua, thỉnh thoảng mới XK được 2-3 container…cần hạn chế cho XK trực tiếp. Bài toán đặt ra là sẽ giải quyết số DN không đủ điều kiện XK này như thế nào? Theo tôi, chỉ có thể gom các DN này lại thành các nhà cung ứng cho các DN XK. Tuy nhiên cũng phải có giải pháp hỗ trợ, bởi khi trở thành nhà cung ứng họ rất dễ bị ép giá.

Ngoài ra, những DN đủ điều kiện, nhà nước cũng cần hỗ trợ để phát triển hơn, các DN này có thể mua trực tiếp cà phê từ nông dân, do vậy cần sự hỗ trợ về vay vốn ngân hàng để mua thiết bị, nguyên liệu… Hiện nay các DN như chúng tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, với lãi suất 20 – 23% khó có DN nào có thể trụ được.

Quốc Anh
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam