C/O: Khó hưởng, khó quản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Theo đó hàng hóa sản xuất từ các nước có ký FTA sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Xác định xuất xứ hàng hóa, vì vậy, là khâu hết sức quan trọng; nếu làm không đúng hoặc sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hoặc sẽ dẫn đến gian lận, trốn thuế…

Chặt quá, doanh nghiệp thiệt!

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Do tập quán trong vận tải hàng hải quốc tế, một số doanh nghiệp dệt may nhập khẩu nguyên liệu ở một quốc gia nhưng vận tải đơn chở suốt lại do một nước trung gian cấp. Đây cũng là một phương thức nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Malaysia nhưng nếu vận chuyển trực tiếp từ cảng của quốc gia này chi phí sẽ cao hơn, do vậy họ sử dụng phương thức vận tải đường bộ từ Malaysia sang Singapore (khoảng cách đường bộ rất gần) rồi mới chuyển lên tàu để đưa về Việt Nam. Vì thế mà vận tải đơn chở suốt do Singapore cấp. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BTC, vận tải đơn chở suốt phải được cấp trên lãnh thổ nước xuất khẩu kèm theo C/O mẫu D. Quy định này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp dệt may nói riêng và các doanh nghiệp trong nước có hoạt động nhập khẩu tương tự nói chung.

Quy định liên quan đến vận tải đơn chở suốt đang vướng không chỉ với form D, mà còn với nhiều form khác như AK, AJ, JV. Do không đáp ứng quy định (Thông tư 21/2010/TT-BCT), cơ quan hải quan không chấp nhận nên doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT, mà phải chịu mức thuế cao hơn.

Đơn cử như Công ty Kỳ Hà bị áp thuế suất nhập khẩu MFN mức 25% với số tiền thuế là hơn 713 triệu đồng so với thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT là mức 0%. Tương tự, Công ty Thép Vina Kyoei phải chịu thuế suất nhập khẩu MFN mức 7% với số tiền thuế là hơn 4,48 tỷ đồng so với thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT là mức 3%. Theo tính toán sơ bộ của Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan (GSQL), việc xác định vận tải đơn chở suốt form D nếu không giải quyết, doanh nghiệp không được ưu đãi thuế, ước tính sẽ phải truy thu tiền thuế lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Theo Cục GSQL, C/O có vận đơn chở suốt được cấp bởi nước thứ 3 là hiện tượng thương mại phổ biến, địa điểm phát hành vận đơn không làm ảnh hưởng cũng như làm thay đổi xuất xứ hàng hóa nhập khẩu đã được chứng nhận (C/O mẫu D). Tuy nhiên, để chống gian lận thương mại trong gia công hàng hóa, một số nước trong khối ASEAN không đồng thuận về việc cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với trường hợp C/O mẫu D có vận đơn chở suốt được cấp tại nước trung gian (nước thứ 3) mà không phải là nước thành viên xuất khẩu. Không chỉ vướng liên quan đến vận đơn chở suốt, việc xác định C/O còn gặp khó ở nhiều khâu khác nữa như phụ lục đính kèm C/O nhưng không ghi số tham chiếu của C/O; hóa đơn do nước thứ 3 phát hành; xác minh mẫu dấu và mẫu chữ ký trên C/O… Do vậy, để được công nhận C/O hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi.

Nguy cơ gian lận thương mại lớn

Để được công nhận C/O hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi

Việc kiểm tra C/O hàng nhập khẩu đã khó, việc cấp và quản C/O hàng xuất khẩu cũng đang gặp nhiều gian nan. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại qua C/O hàng xuất khẩu ngày càng tinh vi và phức tạp. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với mục đích tránh thuế chống bán phá giá, quota, hưởng ưu đãi thuế dành cho Việt Nam… các doanh nghiệp thường nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam rồi tái xuất sang nước thứ ba. Thông thường là những mặt hàng mà các nước xung quanh Việt Nam bị các nước hay thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… áp thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Thời gian qua đơn vị này đã nhận được những yêu cầu thẩm tra tính xác thực của C/O do Tổng cục Hải quan và Hải quan các nước EU gửi đến (trong đó có một số cảnh báo về hiện tượng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả từ Việt Nam của cơ quan chống gian lận thương mại của EU- OLAF). Khi nhận được các lời cảnh báo, đơn vị đã lập mạng lưới trao đổi thông tin nhằm phát hiện sớm và kịp thời những trường hợp gian lận bằng cách gửi dữ liệu C/O cấp hàng ngày cho phía đối tác.

Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết, các mặt hàng được làm giả từ trong nước dưới các hình thức trước khi cấp C/O như: Cung cấp bằng chứng sai (chứng từ giả) hoặc sửa chữa chứng từ, hóa đơn, bảng kê… Sau khi cán bộ cấp C/O kiểm tra phát hiện hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn, doanh nghiệp thay thế hoặc bổ sung chứng từ đã sửa chữa hoặc quay vòng sử dụng nhiều lần. Cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam bị mạo danh trên C/O giả do một doanh nghiệp nước ngoài làm giả. Có trường hợp, doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh vận tải, chưa bao giờ làm hàng dệt may hoặc ký hợp đồng kinh doanh với các nước EU… nhưng đã bị phía đối tác nước ngoài mạo danh làm giả C/O với đầy đủ địa chỉ, tên tuổi công ty… làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, khi hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất đi bị các thị trường lớn áp thuế chống phá giá hoặc đưa vào tầm ngắm hạn chế nhập khẩu.

Để hạn chế tình trạng gian lận thương mại qua C/O, thời gian qua các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hợp tác trao đổi dữ liệu thông tin, thành lập Hội đồng tư vấn cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề “khó quản”.   Bài: Nguyễn Hà
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp