Câu chuyện cá tra, một góc nhìn khác
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bức tranh hiện thực

Năm 2002, khi mới bước vào Mỹ với giá trị khoảng 20 triệu USD, cá tra đã làm “xốn con mắt” các ông chủ của hội Nuôi cá da trơn (catfish), miền Nam nước Mỹ (CFA). Họ đã “cảm” từ trong mầm mống nguy cơ chiếm thị trường của con cá Việt Nam. Hàng loạt chiến dịch đã được đại gia “cá da trơn” tung ra để cản phá “tra” quê ta.

Phải công nhận các đại gia “cá da trơn” cực mạnh, thành công ở hầu hết các vụ vận động hành lang (lobby) quốc hội Mỹ, và các cơ quan công quyền. Khởi đầu từ việc quốc hội không cấp ngân sách cho cơ quan FDA kiểm tra chất lượng cá da trơn nhập khẩu (bởi cùng loài da trơn, có râu nên “tra” đương nhiên là catfish). Tiếp theo là quyết định đi ngược lại môn ngư loại học của bộ Thương mại Mỹ, chỉ có cá của Mỹ (Pangasius Ictarolidae) được gọi là cá da trơn!

Không mấy thành công với hai đòn này, bởi “tra” vẫn là tra dẫu rằng đã phải đội nhiều “danh” khác, đại gia “cá da trơn” giáng tiếp một đòn quả tạ, nộp đơn đến bộ Thương mại Mỹ kiện “tra” phá giá. Rồi liên tục các chiến dịch bôi nhọ chất lượng cá tra, đỉnh điểm là việc bộ trưởng một bang miền Nam đã không cho bán cá này tại bang sở tại. Ngỡ rằng “tra” không đủ tiền theo kiện, đâu ngờ “tra” ta thật kiên cường, dù đã mất thị trường nhưng sau hơn năm năm với nhiều triệu USD thuê luật sư, bộ Thương mại Mỹ đã phải giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp, cá tra lại tăng trở lại thị phần.

Nhưng cuộc chiến thị trường thật không dễ. Mức thuế thấp nhưng “tra” lại có nguy cơ “được” sang quản lý ở bộ Nông nghiệp Mỹ với nhiều quy định phức tạp thay vì quản lý bởi FDA (nếu điều này xảy ra thì có thể tra lại quay về làm cá da trơn!) Rồi nhiều khả năng bộ Thương mại Mỹ sẽ lấy giá thành sản xuất của Philippines, thay vì Bangladesh để áp giá tính thuế phá giá cho “tra” (do Việt Nam chưa được công nhận kinh tế thị trường).

Cơ hội cho “ tra” lại đến, khi chủ trương hạn chế khai thác của EU làm cho thị trường thiếu nghiêm trọng cá thịt trắng. May mắn cho “tra”, trước đó chiếc khoá thị trường đã mở với trên 300 doanh nghiệp được công nhận đáp ứng các quy định của EU. Sản lượng cá tra nhập khẩu vào EU năm 2009 là 215.000 tấn.

Sau hơn mười năm xuất ngoại, cá tra đã phủ khắp các thị trường tiêu thụ thuỷ sản của trên thế giới, dự kiến năm 2010 xuất khẩu cá tra có thể đạt từ 1,4 đến 1,5 tỉ USD.

Thế nhưng “tra” luôn bị nhiều lời đàm tiếu, thị phi, từ “hiệp sĩ đấu bò” Tây Ban Nha, “nữ thần Athens” Hy Lạp, “anh” cá biển xứ Brazil, đến “cư dân toàn cầu có đẳng cấp” cá hồi Na Uy cũng phải lên tiếng trước sự xâm nhập của cá tra. Và mới đây là từ tổ chức… WWF của sáu nước EU.

Vì sao bị đánh “hội đồng”

Thị trường cho thấy giá cá tra đang tuột dốc thảm hại. Năm 2004, giá FOB cá tra xuất khẩu đạt gần 4 USD/kg, nay chưa đến 2 USD/kg philê. French Man, thương nhân kinh doanh cá tra tại Việt Nam đã phát biểu “Người ta nhập cá tra để thoả mãn người tiêu dùng chứ không thích, vì cá tra Việt Nam phá huỷ ngành sản xuất cá của họ. Giá các loại cá ở EU bình thường là 5, 7, 12 USD, trong khi giá cá tra có mức sàn 2 USD/kg, ở Mỹ là 3,5 USD. Giá thấp như vậy mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chào giá thấp hơn”.

Không phải ngẫu nhiên mà EU đã áp cho cá tra Việt Nam một mã số hải quan riêng!

Với lời khuyến cáo “cạnh tranh bằng giá rẻ sẽ làm hạ giá trị chung của sản phẩm”, ông Michael Porter hẳn hiểu rất rõ doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Cạnh tranh bằng hạ giá có thể tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều những lời thị phi của đối thủ vì sức công phá của nó ngay từ bên trong.

Và đây là hiện trạng sản xuất cá tra qua lời người nuôi Nguyễn Hữu Nguyên ở Châu Đốc, An Giang: “Giá thức ăn luôn tăng, nên giá cá tra không thể giảm, nhưng giá giảm thế này, nông dân nay đã không nuôi nữa. Mười năm trước giá cá giống 300 – 400 đồng/con, thức ăn 2.000 đồng/kg, giá bán cá tra 17.500 đồng/kg. Nay giá cám 4.500 đồng/kg, thức ăn 9.000 đồng/kg, nhưng giá cá còn 15.000 – 16.000 đồng/kg. Vì doanh nghiệp hạ giá để tranh khách nên nay cả người nuôi và doanh nghiệp trên bờ vực phá sản”.

Để đáp ứng yêu cầu khách hàng về truy xuất nguồn gốc, nhiều đại gia cá tra của ta đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất riêng, chủ động từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Nhưng đại gia cũng không tránh khỏi tác động của cơn bão giảm giá do chính doanh nghiệp tự tạo nên.

Nền sản xuất hướng đến toàn cầu cần phải có chiến lược thị trường toàn cầu và một thương hiệu mạnh.

Câu chuyện thứ hai về hoạt động truyền thông quảng bá và xúc tiến thương mại. Trong khi cá tra Việt Nam đang bị bêu xấu ở hầu khắp các thị trường lớn thì hầu như không có một nỗ lực truyền thông đủ mạnh mẽ và chuyên nghiệp từ phía cộng đồng sản xuất trong nước để đổi mới hình ảnh của cá tra nước mình, đưa thông tin về sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Cả tuần qua, báo chí Việt Nam đưa tin về việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ nhưng cũng như đã nhiều lần xảy ra sự cố, vẫn là “ta nói ta nghe”. Ngay với thị trường nội địa, đã có chiến dịch truyền thông nào được thực hiện để gia tăng tiêu dùng cá tra?

Nền sản xuất hướng đến toàn cầu cần phải có chiến lược thị trường toàn cầu và một thương hiệu mạnh. Cá hồi Na Uy và sau này là cá hồi Chile là những sản phẩm có thương hiệu toàn cầu, có biểu tượng, tiêu chuẩn. Trong khi đó, cá tra Việt Nam mang hàng chục tên khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu của nhà nhập khẩu. Vậy đâu là các giá trị chung của cá tra với tư cách là sản phẩm quốc gia?

Vai trò của chính quyền, các hội?

Có lẽ ít có ngành sản xuất nào ở Việt Nam có không dưới ba hội có quy mô vùng hoặc cả nước cùng muốn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người nuôi cá tra: hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hội Nghề cá và hội Cá tra Việt Nam, chưa kể đến hội ở cấp địa phương. Quản lý theo chuỗi sản xuất sẽ còn là vấn đề nan giải nếu các tổ chức này thiếu một tầm nhìn dài hạn và quyết tâm thay đổi vì mục tiêu phát triển chung của cả cộng đồng.

Về phía chính quyền, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo về cá tra. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất cá tra do bộ trưởng trực tiếp làm trưởng ban. Chính quyền cấp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp. Nhưng đến nay, dường như quyền lực hành chính không thể kìm được con ngựa bất kham mang tên thị trường.

Trước cơn bão giá khiến ngành sản xuất đang trên bờ vực, tổng cục Thuỷ sản thuộc MARD đang dự thảo một nghị định trình Chính phủ, nhưng dường như nội dung đang đi ngược các nguyên tắc thị trường khi lại một lần nữa ôm tất cả, tỷ như đề xuất việc quy định giá sàn thuộc trách nhiệm của chính quyền.

Hải Linh
Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị