Đăng ký giao dịch bảo đảm: Khổ vì luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuy nhiên, chính vì những bất cập của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đã khiến cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhiều lúc lâm vào cảnh bế tắc, lúng túng.

Ở các nước phát triển, khái niệm đăng ký giao dịch bảo đảm đã xuất hiện từ hàng trăm năm về trước, trong khi ở Việt Nam, phải đến tận năm 2000, Chính phủ mới ban hành văn bản đầu tiên về hoạt động này.

Dù ra đời muộn nhưng ngay sau khi xuất hiện, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đã nhanh chóng trở thành công cụ hữu hiệu bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch cũng như góp phần tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.

Nhà nước và dân cùng “kêu”

Theo ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm, hiện Việt Nam có 3 hình thức đăng ký, bao gồm: đăng ký giao dịch bằng động sản; đăng ký giao dịch bằng bất động sản và tài sản gắn liền trên đất và đăng ký bằng tàu bay, tàu biển.

Thế nhưng, dù những tài sản thuộc diện đăng ký giao dịch bảo đảm đa phần đều có giá trị lớn, song những điều khoản chi tiết đối với các loại tài sản trên lại bộc lộ nhiều bất hợp lý, gây ra không ít những rắc rối cho các bên.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển), ông Long cho biết vẫn còn những “khoảng trống” giữa thời điểm nhận đơn và thời điểm thông tin trên đơn được cập nhật vào cơ sở dữ liệu để tra cứu.

Ngoài ra, thực tế hiện nay, số điểm đăng ký còn quá ít, nhưng luật vẫn bắt buộc khách hàng ở xa phải gửi qua đường bưu điện (không được phép qua mail, fax) nên các khách phải chờ đợi trong một thời gian dài mới nhận được kết quả đăng ký.

“Ngay cả khi khách hàng đã hoàn tất các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với động sản thì các ngân hàng thường ngại cho vay thế chấp bằng động sản, trong khi tài sản này thường chiếm tới 70 -80% giá trị doanh nghiệp”, ông Long cho biết.

Nói như vậy không có nghĩa là những đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản là bất động sản không có vướng mắc. Hiện người dân, doanh nghiệp vẫn “kêu trời” về việc pháp luật quy đinh muốn thế chấp bất động sản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhất thiết phải có “sổ đỏ”, trong khi tiến độ cấp giấy loại giấy này là một trong những tồn tại của ngành tài nguyên trong nhiều năm qua.

Còn theo bà Hoàng Thị Ngọc Phượng (Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm Quốc gia), ngoài những bất cập nêu trên, hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm chưa được thiết lập, điều này đã ảnh hưởng đến việc công khai hóa nhanh chóng và chính xác các thông tin về giao dịch bảo đảm.

Doanh nghiệp cũng nản

Những bất cập về luật pháp trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm không những “làm khó” cơ quan quản lý, người dân mà ngay cả doanh nghiệp, cụ thể là các tổ chức tín dụng với tư cách là đơn vị “nắm đầu cán” cũng không tránh khỏi những phiền toái.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó giám đốc Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ – Ngân hàng Quốc tế VIB cho biết, có nhiều hợp đồng bảo đảm giữa ngân hàng và khách hàng đã được chứng thực tại các phòng tư pháp cấp huyện. Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung, phát sinh phụ lục muốn chứng thực thêm thì lại bị các đơn vị trên từ chối vì cho rằng, theo quy định mới (Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về chứng thực) thì họ không có thẩm quyền chứng thực.

“Cầm bản hợp đồng trên tay hỏi khắp nhưng cũng không biết cơ quan nào đứng ra chứng thực”, bà Tuyết cho hay.

Một khó khăn nữa, theo bà Tuyết, trong khi pháp luật không quy định bắt buộc phải ghi giá trị tài sản bảo đảm vào hợp đồng bảo đảm nhưng trên thực tế thì một số công chứng viên vẫn từ chối công chứng hợp đồng bảo đảm nếu trong hợp đồng đó không ghi giá trị của tài sản bảo đảm.

Không những thế, do pháp luật về đăng ký giao dịch bảo chưa có quy định cụ thể, cộng với tình trạng không phổ biến rộng rãi các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý đã dẫn đến việc các khoản tiền cho vay của nhiều tổ chức tín dụng phải bổ sung nghĩa vụ bảo đảm chưa được thực hiên theo đúng thủ tục để có thứ tự ưu tiên thanh toán.

“Chính thực tế trên đã, đang và sẽ tạo ra những rủi ro cho các tổ chức tín dụng”, bà Tuyết nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng văn phòng Công chứng Hồ Gươm, chính những quy định của pháp luật hiện nay đã gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động đăng ký cũng như hoạt động công chứng.

Đơn cử như việc cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người độc thân đi làm thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch. Luật quy định, nếu cá nhân đó cư trú qua nhiều địa phương khác nhau thì bắt buộc phải xin xác nhận của từng địa phương, tính từ thời điểm xác lập quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thế nhưng, thực tế không phải địa phương nào cũng sẵn sàng hợp tác để xác nhận, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, tốn kém tiền bạc, thời gian.

Nguồn: Báo điện tử Thời báo Kinh tế Việt Nam