Đằng sau hiện tượng doanh nghiệp FDI nhập siêu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong 5 tháng đầu năm 2011, các bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu nhưng tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Bởi nhóm hàng cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất vẫn tăng mạnh, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2010, chiếm tỷ trọng hơn 83% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu. Và các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm hàng này chưa thật sự phát huy tác dụng. Đặc biệt là lần đầu tiên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nhập siêu. Theo Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm nay, khối doanh nghiệp đã nhập khẩu 17,6 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ, đưa mức nhập siêu lên 1,6 tỷ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước. Diễn biến này chưa có tiền lệ do trong những năm trước doanh nghiệp FDI thường xuất siêu.

Nhưng có thể thấy, không khó dự đoán việc doanh nghiệp FDI sẽ nhập siêu. Thực tế, đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất để hoàn thành giai đoạn cuối tại nước ta. Các nhà máy gia công được xây dựng tại nước ta để tận dụng ưu đãi của địa phương, nhân công rẻ, đặc biệt là giá năng lượng – nhiên liệu thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI đầu tư vào nước ta là để khai thác thị trường nội địa. Những ngành công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, như điện tử và hàng điện gia dụng, công nghiệp ô tô và xe máy, hóa mỹ phẩm tiêu dùng… chủ yếu do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chi phối. Sản xuất tại nước ta chủ yếu là gia công, trong khi, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, thì tất yếu doanh nghiệp FDI phải tăng nhập khẩu.

Và thực tế, nếu loại trừ dầu thô, thì trong 10 năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu nhập siêu. Tuy nhiên, mức nhập siêu từ trước năm 2009 tương đối ổn định. Bình quân chỉ dao động quanh mức 2 tỷ USD/năm (ngoại trừ năm 2008 tăng bất thường với 4 tỷ USD). Song, từ năm 2010 đến nay, nhập siêu của khối doanh nghiệp FDI đã tăng mạnh. Trong đó, năm 2010 đã nhập siêu 2,7 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm nay là 1,6 tỷ USD. Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp FDI nhập siêu là do ảnh hưởng của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã chuyển từ sản xuất sang hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI nhập siêu cũng do lạm dụng biện pháp chuyển giá, cố tình khai lỗ để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp FDI đã xây dựng nhà máy chế biến thô hoặc gia công tại nước ta. Nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, chế biến được chỉ định nhập khẩu từ công ty mẹ. Với thủ thuật làm giá, doanh nghiệp dễ dàng tạo ra chênh lệch lớn giữa giá xuất khẩu và chi phí sản xuất để báo lỗ giả. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi có 60 – 70% doanh nghiệp đang hoạt động khai báo lỗ thì cần đặt nghi vấn. Đặc biệt là một số doanh nghiệp khai báo lỗ liên tục trong nhiều năm. Hoặc trong khi doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực sản xuất có lãi, thậm chí lãi cao, thì doanh nghiệp FDI vẫn báo lỗ.

Hiện tượng nhập siêu ngày càng tăng của doanh nghiệp FDI đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm tìm ra nguyên nhân và giải pháp ứng phó. Thực sự, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nhiều là do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển? sản xuất và xuất khẩu chủ yếu là gia công, dựa vào lợi thế nhân công rẻ? công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp? hay tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng? Đồng thời, các cơ quan quản lý cần sớm tìm ra giải pháp để xử lý dứt điểm hiện tượng báo lỗ giả, chuyển giá ra nước ngoài để trốn thuế. Tình trạng này không chỉ gây méo mó số liệu thống kê, thất thu ngân sách cho Nhà nước, mà còn tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Mạnh Quang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân