Đấu thầu cung ứng thuốc cho cơ sở y tế: DN lo ngại thiếu minh bạch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không cập nhật hay cố tình “ỉm” thông tin thuốc vi phạm?

Từ ngày 1/9/2012 đến nay, rất nhiều loại thuốc vi phạm về chất lượng đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định thu hồi, như viên nén Dospirin (Aspirin 81 mg), thuốc chứa Buflomedil, thuốc Ceplor VPC 250 (cefaclor 250 mg), Piroxicam Capsules USP 20 mg, Omeprazole Capsules 20 mg…

Nhưng trong “Danh sách các loại mặt hàng thuốc/cơ sở sản xuất thuốc vi phạm chất lượng” được công bố tại trang web: http://www.dav.gov.vn của Cục Quản lý dược lại không cập nhật những loại thuốc này. Cụ thể, danh sách chỉ có 26 mặt hàng, cơ sở sản xuất thuốc vi phạm, trong khi từ đầu năm đến nay, theo cập nhật của Viện Kiểm nghiệm thuốc (Bộ Y tế), có hơn 60 mặt hàng thuốc/cơ sở sản xuất thuốc vi phạm chất lượng bị thu hồi.

Theo mục 7, Phụ lục số 3, Thông tư số 11/2012/TT-BYT ngày 28/6/2012 về hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2012, thì chất lượng của mặt hàng thuốc dự thầu vi phạm về chất lượng thuốc trong vòng một năm gần đây, nếu vi phạm mức độ 2 sẽ bị trừ 10 điểm, mức độ 3 bị trừ 5 điểm. Tuy nhiên, trang web của Cục Quản lý dược không nêu ngày tháng vi phạm, nên không biết vi phạm nào xảy ra trong 1 năm trở lại đây, do đó, chắc chắn sẽ có cơ sở sản xuất thuốc vi phạm “lọt lưới”, không bị trừ điểm khi tham gia đấu thầu. Điều này tạo ra sự không minh bạch trong đấu thầu thuốc.

Cần minh bạch trong đấu thầu thuốc

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu mua thuốc và quản lý giá thuốc, đại diện một Sở Y tế cho biết, họ đã phải tổ chức đấu thầu thuốc năm 2013 trước thời điểm Thông tư số 11/2012/TT-BYT có hiệu lực, nhằm “né” quy định mới này. Lý do được đưa ra là, nếu áp dụng Thông tư này thì Sở sẽ đối diện với nhiều áp lực, thậm chí có cả kiện cáo của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thuốc.

Đại diện Viện Lão khoa cũng cho biết, chiểu theo Thông tư số 11/2012/TT-BYT, các bệnh viện khi chấm điểm đều phải căn cứ trên “Danh sách các loại mặt hàng thuốc/cơ sở sản xuất thuốc vi phạm chất lượng”. Nếu xảy ra việc các đơn vị tham gia đấu thầu khiếu nại, thì trách nhiệm thuộc về Cục Quản lý dược, bởi đây là đơn vị có trách nhiệm công bố các mặt hàng, cơ sở vi phạm.

Theo quy định mới, các hồ sơ mời thầu của doanh nghiệp đạt 71 – 100 điểm sẽ lọt vào vòng chấm thầu lựa chọn giá đánh giá thấp nhất để chọn ra đơn vị trúng thầu. Ở những bệnh viện lớn tuyến trung ương và khu vực, mỗi gói thầu có hàng trăm doanh nghiệp tham gia, trong trường hợp có nhiều giá chào thấp nhất, thì điểm kỹ thuật của đơn vị nào cao hơn sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thì Phụ lục số 3, “Bảng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật” ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BYT đang có nhiều điểm chưa rõ ràng, có thể tạo kẽ hở gây mất công bằng và dễ dẫn đến khiếu nại của các doanh nghiệp cung ứng thuốc dự thầu.

Cụ thể, với Phụ lục số 3 kèm theo này, rất nhiều câu hỏi đang cần được giải đáp, như: Đơn vị dự thầu có thuốc bị vi phạm chất lượng trong vòng 1 năm gần đây được tính từ ngày ban hành quyết định của Cục Quản lý dược về việc thu hồi thuốc vi phạm hay từ ngày nào? Theo thông tư 09/2010/TT-BYT ngày 28/4/2010 hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc có phân ra các mức độ vi phạm 1, 2 và 3, như vậy, các thuốc vi phạm mức độ 1 liệu có bị rút giấy phép và sẽ không được tham dự thầu? Việc xác định mức độ 2 hay 3 thuộc thẩm quyền của đơn vị nào? Trong các hình thức thu hồi có hình thức tự nguyện thu hồi, vậy trường hợp thu hồi này có được xem là vi phạm chất lượng không?…

Hiện là thời điểm mà các cơ sở y tế đang tiếp nhận hồ sơ dự thầu của các doanh nghiệp tham gia các gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế năm 2013. Nhiều doanh nghiệp rất lúng túng khi không có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế và lo ngại xuất hiện tình trạng khuất tất, ém thông tin, gây mất công bằng giữa các doanh nghiệp dự thầu.

Báo Đầu tư đã nhiều lần liên lạc và đã gửi công văn tới Cục Quản lý dược đề nghị giải đáp những thắc mắc liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm của Cục, nhưng ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược từ chối trả lời và giới thiệu liên hệ với Vụ Kế hoạch – Tài chính. Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính cho rằng, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của Cục Quản lý dược. “Quả bóng trách nhiệm” đang lăn đi lăn lại trong chân của các đơn vị có trách nhiệm của Bộ Y tế, còn các cơ sở y tế, doanh nghiệp chỉ biết dài cổ ngóng chờ…

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử