Đầu tư phát triển nguyên liệu, phụ liệu cho ngành dệt may: Chưa như mong muốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đối với Chương trình trồng bông, trong năm 2009, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phối hợp với Viện cây bông và các cây có sợi khác thuộc Vinatex triển khai trồng bông trang trại có tưới, bước đầu làm thử nghiệm trên diện tích 70 ha. Theo đại diện của Vinatex, niên vụ 2010 đã cho ra được những lô bông trong trang trại có tưới, quản lý tập trung với năng suất gấp gần 4 lần so với bông dùng nước mưa tự nhiên. Với năng suất này, nếu được nhân rộng thì sẽ bảo đảm tính kinh tế của mô hình trồng bông trang trại; đồng thời vẫn có thời gian gối vụ trồng cây khác. Tuy nhiên, từ chỗ làm điểm đến triển khai đại trà đòi hỏi một quá trình tiếp tục hoàn thiện và đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hơn nữa, sự thành công của chương trình còn phụ thuộc yếu tố giá cả trên thị trường, nếu bông được giá, nông dân sẽ đầu tư trồng nhiều và ngược lại, khi giá giảm, họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may không chỉ thiếu quỹ đất mà còn chưa có chính sách ổn định cho phát triển cây bông. Sản lượng bông trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 2% nhu cầu dệt vải, 98% còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Đối với chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải phục vụ may xuất khẩu, vải dệt thoi và nhuộm, hoàn tất là những khâu khó nhất do đòi hỏi cao về công nghệ, phương pháp quản lý và nguồn vốn lớn. Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt Việt Thắng Nguyễn Đức Khiêm, nhuộm, hoàn tất vải không chỉ đòi hỏi công nghệ máy móc mà quan trọng ở khâu quản lý con người. Việc quản lý nhà máy nhuộm khắt khe hơn các ngành nghề khác. Để phát huy hiệu quả thì phải đi từ quản lý con người đến quản lý công nghệ.

Đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước, khâu nhuộm hoạt động khó khăn từ nhiều năm nay. Cũng có một số doanh nghiệp có sản phẩm tốt và có thương hiệu. Nhưng sau khi cổ phần hóa và hạch toán độc lập thì số lượng doanh nghiệp làm ăn có lãi còn ít, do vậy, nhiều doanh nghiệp đã bỏ nhuộm và chuyển sang ngành nghề khác. Hạn chế, yếu kém trong khâu nhuộm và hoàn tất vải cũng làm ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thời trang. Vì đây là công đoạn quyết định chất lượng, mẫu mã của vải, bảo đảm sự cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nếu có được nguồn vải tốt tại chỗ sẽ giúp các nhà thiết kế chủ động về nguyên liệu cho thiết kế.

Hàng năm, nước ta phải nhập khẩu hàng tỷ USD về vải, nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực này còn hạn chế. Có đầu tư thì cũng chủ yếu là nhà máy may hoặc vào những khu vực có thể khai thác nhanh đầu ra. Đầu tư vào dệt đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn, xử lý môi trường tốn kém. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt cũng khó khăn hơn. Thời gian qua, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã và đang tích cực kêu gọi các nước có nền công nghiệp dệt may phát triển đầu tư vào các nhà máy dệt nhuộm như tại cụm công nghiệp sợi – dệt – nhuộm Hòa Khánh, TP Đà Nẵng; cụm công nghiệp phố nối B Hưng Yên; cụm công nghiệp Hòa Xá, Nam Định…

Với những trở ngại này, việc thực hiện mục tiêu của chương trình – đến năm 2015 trong nước sẽ sản xuất được 1,5 tỷ mét vải, trong đó có 1 tỷ mét vải dệt thoi phục vụ may xuất khẩu do Bộ Công thương đề ra – sẽ khó đạt được.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân