Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2011: Đôi nét nhìn lại và triển vọng thời gian tới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2011 là năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên bình diện quốc tế, nhiều yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô và hoạt động tài chính toàn cầu như khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng lan rộng, mất cân bằng trong khu vực tài khóa tại các nước đang phát triển dẫn đến dòng FDI thế giới, đặc biệt từ các nước phát triển sụt giảm. 

Kinh tế xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các tiêu cực của kinh tế thế giới cộng với những hạn chế của nội tại nền kinh tế dẫn đến những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì mức tăng trưởng khá. Khu vực FDI vẫn đạt được những kết quả tương đối khả quan, thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, vốn thực hiện đạt 11 tỷ USD đã đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, đầu tư của khu vực nhà nước tiếp tục suy giảm, thì đây là một trong những nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, mặc dù vốn đăng ký mới và tăng thêm chỉ đạt 14,7 tỷ USD, nhưng vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đã cấp phép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,65 lần mức vốn đăng ký tăng thêm của năm 2010 (1,89 tỷ USD). Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ ba, cơ cấu vốn đăng ký đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với định hướng thu hút FDI, đó là tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng – chiếm 76,4% (cao hơn so với năm 2010 là 54,1%); kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 5,8% vốn đăng ký (so với năm 2010 là 34,3%).

Thứ tư, xuất khẩu đạt tăng trưởng khá, ước đạt 54,46 tỷ USD (kể cả dầu thô), chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 39,3% so với năm 2010) – cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (26,1%). Chính sự tăng trưởng cao của xuất khẩu khu vực FDI đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2011 của cả nước lên mức 33,3% và góp phần làm giảm gánh nặng cho cán cân thương mại. Nhập khẩu của khu vực FDI là 47,8 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm 2010.

Thứ năm, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) cũng có sự tăng trưởng, ước đạt 3,5 tỷ USD, chiếm trên 19% tổng thu nội địa (tăng 15% so với năm 2010). Riêng thu từ dầu thô ước đạt 4,8 tỷ USD, vượt dự toán năm gần 44%. Trong bối cảnh các nguồn thu quan trọng không đạt mức dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và thu phí xăng dầu) thì khu vực FDI đã góp phần đáng kể vào tăng thu và giảm bội chi ngân sách.

Bên cạnh những con số cụ thể nêu trên, vai trò của FDI còn thể hiện thông qua những yếu tố không lượng hoá được, đó là đã đưa một phương thức quản lý mới cho nền kinh tế; đóng vai trò mở đường trong việc tạo ra một số ngành công nghiệp, sản phẩm, mở rộng thị trường; tác động lan tỏa đối với nền kinh tế (tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực…).

Bước sang năm 2012, tình hình kinh tế thế giới vẫn phát triển khó lường và khó dự đoán. Các dự báo triển vọng kinh tế 2012 đều thống nhất rằng, sẽ khó khăn hơn năm 2011, mức tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ thấp hơn năm 2011. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nhằm đạt kết quả của mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với FDI, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp/dự án nhằm thúc đẩy giải ngân, hiện thực hóa vốn đầu tư đăng ký của những năm trước đây. Việc thu hút FDI thời gian tới phải phù hợp với quy hoạch, ưu tiên thu hút dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện để tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới sẽ thực hiện một số vấn đề sau đây:

Một là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế để cung cấp cho các doanh nghiệp, trong đó có khu vực FDI.

Hai là, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 -2020, từ đó chọn 6 – 7 ngành quan trọng nhất ưu tiên đầu tư.

Ba là, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh một số loại giá và dịch vụ công được quy định quá lâu, quá thấp so với chi phí và mặt bằng giá chung, nhằm tạo môi trường bình đẳng thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác, đồng thời tạo nguồn vốn để tái đầu tư phát triển các dịch vụ công do Nhà nước quản lý.

Bốn là, giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; thu hút mạnh đầu tư của khu vực tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào các dự án không hoặc khó có khả năng hoàn vốn, dành các dự án hoàn vốn để thu hút khu vực tư nhân. Trên tinh thần đó, vốn nhà nước chỉ tập trung: (i) đối ứng cho các dự án tư nhân (ví dụ như thực hiện giải phóng mặt bằng) hoặc tham gia phương án tài chính theo hình thức BOT, PPP hoặc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp và (ii) xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện, củng cố công tác phân cấp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động này trong tình hình mới.

Trước mắt, trong năm 2012, sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố và đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI trên các mặt sau:

Về xây dựng chính sách, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, rõ ràng nhằm một bước hoàn thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng một mặt tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng mặt khác phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút và sử dụng FDI, theo đó chính sách ưu đãi sẽ phải đi đôi với lĩnh vực, ngành nghề, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Về công tác xúc tiến đầu tư, nghiên cứu đổi mới căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, đảm bảo tính thống nhất, liên vùng, liên ngành và mang tính chuyên đề.

Theo một số nghiên cứu gần đây, do khó khăn tại châu Âu và Hoa Kỳ, đã bắt đầu có sự chuyển dịch dòng vốn FDI từ châu Âu sang châu Á. Đồng thời, sau sự kiện động đất và sóng thần, các nhà đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, hoạt động  xúc tiến đầu tư trong thời gian tới cần chủ động hơn để tận dụng cơ hội này.

Về công tác cấp phép, chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế – xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác…

Thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí về công nghệ, môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, suất đầu tư tối thiểu/diện tích đất sử dụng đối với dự án sử dụng nhiều đất… làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Về công tác quản lý sau cấp phép, cần tiếp tục tăng cường không chỉ ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở địa phương, mà cả sự tham gia của các bộ, ngành, liên ngành theo các chuyên đề. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư để thúc đẩy giải ngân.

Về công tác đối thoại chính sách, tiếp tục củng cố, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác này, không chỉ thông qua các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, với các bộ, ngành ngành liên quan nhằm xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như đưa ra các hướng giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trên đà thuận lợi cơ bản là đã tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thể tin tưởng rằng, FDI vẫn sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2012 và có những đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử