Đẩy mạnh hợp tác Nhà nước và tư nhân?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân sách chưa đủ đáp ứng

Việt Nam đang đối mặt với thách thức mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển nhanh của các khu trung tâm, đô thị mới cũng như của các doanh nghiệp. Mặc dù khu vực tư nhân đã quan tâm tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng số lượng giao dịch được hiện thực hóa vẫn chưa nhiều.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, giáo dục… Song sự đầu tư này còn nhỏ bé so với nhu cầu phát triển. Sự yếu kém về kết cấu hạ tầng không chỉ là rào cản đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà còn làm suy giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trong khi đó, nguồn lực từ ngân sách vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020 ước tính chiếm khoảng 10-11% GDP. Khả năng cân đối ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển đang có những hạn chế nhất định.

Tổng chi ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển chung trong giai đoạn 2001-1010 khoảng 60 tỷ USD (chiếm khoảng 8,4% GDP). Trong đó, chi đầu tư phát triển cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 50% tổng chi phí đầu tư phát triển. Mặt khác nguồn vốn Chính phủ vay về và cho vay lại trong thời gian qua khoảng 7,4 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng nguồn vốn của Chính phủ khó có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Thời gian qua, có một số dự án hạ tầng có khả năng thu hồi vốn đã có sự tham gia của khu vực tư nhân. Kết quả khai thác các dự án này rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy chủ trương khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Đầu tư phải có lợi nhuận

Trước những yêu cầu về phát triển hạ tầng cơ sở, việc xây dựng “Chương trình Hợp tác Nhà nước-Tư nhân” (PPP) tại Việt Nam đang được tiến hành. Ngân hàng Thế giới (WB) đã hợp tác với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính… nhằm xây dựng một hệ thống tài trợ dự án PPP theo định hướng thị trường để thúc đẩy vốn tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng và giúp triển khai các dự án PPP thí điểm.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, WB đã có cơ chế tài trợ và phê duyệt chương trình cho vay để Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án thí điểm PPP. Đầu tiên là dự án đường cao tốc, ngoài ra sẽ có nhiều dự án thí điểm tương tự được xác định dựa trên các tiêu chí lựa chọn trong chính sách PPP.

“Hiện vẫn còn nhiều trở ngại đối với tài trợ tư nhân cho cơ sở hạ tầng mà nguyên nhân là do thiếu các dự án khả thi. Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống đấu thầu cạnh tranh nhằm lựa chọn nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ cần có hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy thị trường PPP”, ông Kamran Khan – Trưởng nhóm nghiên cứu, tài trợ cơ sở hạ tầng WB nói.

Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, PPP tức là thu hút sự tham gia của tư nhân vào những lĩnh vực mà theo truyền thống là nhà nước phụ trách. Trong đó, mối quan hệ Nhà nước và tư nhân là quan hệ đối tác. Nhà nước phải chia sẻ rủi ro với tư nhân trong mô hình PPP khác với việc tư nhân hóa là chuyển toàn bộ rủi ro cho khu vực tư nhân.

“Muốn cho tư nhân tham gia thì không thể nói lý tưởng cao xa mà phải chứng minh được việc tư nhân tham gia là có lợi nhuận. Còn phía chính quyền tiếp cận không phải trên phương diện lợi nhuận mà là lợi ích của người dân. Do vậy, vấn đề là làm thế nào để dung hòa được lợi nhuận và lợi ích, đó mới là thành công của mô hình hợp tác PPP” – ông Liêm chỉ rõ. 

Hùng Anh
Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô