ĐBSCL: Tiêu thụ mía vẫn lình xình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nông dân than phiền

Trao đổi với người viết, bà con trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang – vùng mía lớn của ĐBSCL- cho biết, so với những ngày giữa tháng 10, hiện tiến độ mua mía nguyên liệu cho nông dân của các doanh nghiệp vẫn rất chậm, hàng ngàn héc ta mía của bà con vẫn đứng trước nguy cơ mất trắng do ngập lụt.

Ông Võ Văn Vũ ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hai ngày qua, tôi đi khắp nơi kiếm lái để bán đám mía, nhưng chưa có người nào chịu vô xem cả. Họ (thương lái) đòi phải là mía tốt mới vào mua bởi vì mía xấu sẽ bị nhà máy đánh rớt chữ đường, không có lãi”.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thì cho biết, so với cùng kỳ năm 2010, hiện giá mía tại vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thấp hơn từ 200-400 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm.

Cụ thể, đối với mía loại tốt của giống mía Roc11 và Roc13 hiện chỉ còn 800-900 đồng/kg; đối với giống mía Roc16 (loại mía có chữ đường cao) hiện cũng chỉ còn 1.000-1.070 đồng/kg.

Nhà chức trách nói tiêu thụ mía tốt

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, công tác triển khai thu mua mía cho nông dân được thực hiện khẩn trương, đúng tiến độ. Tính đến ngày 4/11, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 6.000 héc ta trên tổng số 13.747 héc ta, trong đó diện tích mía ngập lụt hiện chỉ còn khoảng 2.200-2.500 héc ta.

“Tình trạng nông dân than phiền không bán được mía là có, bởi vì chúng tôi ưu tiên tiêu thụ mía ở những vùng ngập lụt sâu và lâu cho nông dân. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 15.000 tấn mía, tương đương 200 héc ta mía nguyên liệu của bà con được thu hoạch. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến ngày 15/11, chậm nhất là đến ngày 20/11, các nhà máy đường sẽ cơ bản giải quyết xong mía nguyên liệu cho dân”- ông Đồng cho biết thêm.

Tại huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng – địa phương có 3.580 héc ta mía nguyên liệu, bà con nông dân cho biết cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Anh Nguyễn Út Bột ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng cho biết, hiện mía nguyên liệu tại đây đã sụt giảm khá mạnh, chỉ còn 700-850 đồng/kg, mía nguyên liệu còn ứ đọng trong dân rất lớn.

Theo anh Bột, giá mía tại đây thấp hơn những địa phương khác là do vùng mía nguyên liệu nằm cách xa nhà máy.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online