Để không còn báo cáo “chay” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tại Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV mới đây, Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho thấy, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số đánh giá còn chung chung, một số báo cáo không nêu số liệu cụ thể.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện các nguyên tắc, quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những tồn tại. So với năm trước, Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sớm hơn (ngày 23.1.2020), nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương lại rất đủng đỉnh trong việc ban hành chương trình này. Có một số đơn vị đến tháng 4, 5.2020 mới ban hành chương trình. Việc đủng đỉnh này cho thấy, người đứng đầu ở những đơn vị này vẫn chưa thực sự quan tâm, “sốt ruột” với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và đương nhiên, việc chậm trễ này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện công tác.

Ngoài ra, một số báo cáo về công tác này còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đánh giá còn chung chung. Chính vì chung chung, thiếu vắng số liệu tổng kết, đánh giá cụ thể đã làm cho một số báo cáo trở nên hình thức, báo cáo dường như chỉ mang tính đối phó, báo cáo “chay” cho xong!

Điều đáng nói, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo, vẫn còn 2/63 địa phương như: Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cử tri và dư luận băn khoăn, chưa gửi báo cáo thì làm sao biết được địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả như thế nào? Vì sao lại báo cáo chậm, có khó khăn, vướng mắc nào không? Và đương nhiên, khi thiếu vắng báo cáo của một vài địa phương, thì bức tranh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thể là coi là toàn diện. Đây là điều cần sớm phải được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chính vì không có số liệu đã làm cho các báo cáo trở nên hình thức. Điều này cho thấy, cách làm báo cáo và kỷ luật báo cáo của chúng ta không nghiêm. Việc lập chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chậm ở một số đơn vị lẽ ra phải được thực hiện từ tháng 1, đến tháng 9 mới làm thì sẽ không còn tác dụng. Do đó, Chính phủ phải phê bình nghiêm khắc những đơn vị lập chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chậm, bà Nga đề nghị.

Tình trạng lập chương trình chậm, “nợ” báo cáo đã tồn tại trong thời gian dài, nhưng tiếc rằng, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, thực trạng này đã từng được đưa ra mổ xẻ. Tính đến tháng 4.2018 vẫn còn 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình để Bộ Tài chính tổng hợp. Có 4/34 bộ, cơ quan Trung ương, 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trước tình hình này, khi ấy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, xem xét trách nhiệm, chấp hành kỷ luật của các cơ quan khi để xảy ra tình trạng “nợ” các báo cáo.

Khi báo cáo “suông” không có số liệu cụ thể, sẽ rất khó để đánh giá được bộ, ngành, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào? Có tốt hơn năm trước hay không? Có vướng mắc, khó khăn gì trong quá trình thực hiện hay không? Và đương nhiên, những báo cáo nói không với số liệu này sẽ rất khó có tính thuyết phục.

Để không còn tình trạng báo cáo “chay”, không còn tình trạng “nợ” báo cáo, rất cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về chế độ báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi hay chậm gửi chương trình, báo cáo. Chỉ khi kỷ luật được siết chặt, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì tình trạng báo cáo “chay”, hay “nợ” báo cáo mới không tái diễn.