Đề nghị giảm thuế xăng dầu để khoan sức dân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ở thời điểm hiện tại, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng ở mức 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng. Mặt hàng dầu thì thấp hơi một vài điểm phần trăm.

Theo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, thuế và phí đang chiếm khoảng 26% trong giá vốn của mặt hàng xăng và trên 20% của mặt hàng dầu. Tính ra, Nhà nước đánh thuế và phí mỗi lít xăng từ 5.500 – 6.000 đồng/lít.

Trong tình hình giá xăng dầu thành phầm trên thị trường thế giới liên tục tăng khiến giá bán lẻ trong nước đã 2 lần điều chỉnh liên tiếp trong vòng 22 ngày, các chuyên gia và doanh nghiệp đầu mối kiến nghị Nhà nước cần cân nhắc các công cụ điều hành.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam đề xuất, Bộ Tài chính nên hạ một phần thuế nhập khẩu. Theo ông này, làm như vậy để kéo giá thành của các lô hàng nhập khẩu trong thời gian tiếp theo xuống, qua đó chặn đà tăng giá trong chu kỳ 10 ngày tới.

Vị đại diện này cho biết, với đợt tăng giá 900 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít (kg) các loại dầu vừa được áp dụng từ hôm qua, 1-8 thì doanh nghiệp chỉ mới bù lỗ cho những lô hàng cũ. Còn hàng mới nhập về cách đây 3-4 ngày, doanh nghiệp vẫn lỗ mức tương đương mức vừa điều chỉnh tăng do giá thế giới tăng cao.

“Trong tình hình giá thế giới như vậy, việc điều chỉnh một phần thuế vừa gỡ khó cho doanh nghiệp đầu mối, vừa kéo giá xăng bán lẻ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng”, ông này nói.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng chuyện tăng giảm giá của xăng dầu hiện nay đã là chuyện bình thường, không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, tăng ở mức độ nào, thời điểm nào thì cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ để hài hòa lợi ích của các bên. Đặc biệt phải lưu ý đến tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, kiệt sức và sức mua của người tiêu dùng thì cạn kiệt.

Nhưng khi đề cập đến đợt tăng giá xăng dầu mới đây, ông Long nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onlinerằng, cơ quan quản lý đang điều hành giá xăng dầu lủng củng, khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Nguyên nhân là ngộ nhận, hiểu nhầm về khái niệm thị trường định giá rồi trao quyền định giá cho doanh nghiệp.

Ông Long nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp là trái với quy định của Luật Giá và cơ sở của việc cho phép doanh nghiệp như vậy, ở đây là Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thiếu sức thuyết phục.

Ông Long giải thích, Luật Giá do chính Bộ Tài chính khởi thảo nói rất rõ rằng, có hai dạng định giá là thị trường định giá và Nhà nước định giá. Thị trường định giá khi đã có môi trường cạnh tranh thật sự còn Nhà nước định giá với các mặt hàng chiến lược, độc quyền, ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh.

Ở thị trường xăng dầu, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được quyền định giá bán trong biên độ giá thị trường thế giới tăng dưới 7%. Theo ông Long, điều này là sai lầm bởi nhiều lý do. Thứ nhất, thị trường xăng dầu ai cũng biết rằng vẫn còn độc quyền với quyền chi phối nằm ở một vài doanh nghiệp.

Thứ hai, Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đưa ra các mức tăng giá của thị trường thế giới như 7%, 12%… để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Vậy nhưng, không có cơ sở khoa học nào để giải thích cho việc tại sao là mức 7%, 12% mà không phải là các mức khác nên không có sức thuyết phục. Để doanh nghiệp tự định giá trong biên độ 7% như Bộ Tài chính cho phép từ cuối tháng 6 là rất dễ xảy ra tiêu cực bởi doanh nghiệp có thể chia nhỏ mức tăng và chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh chưa có thị trường cạnh tranh thực sự thì nguyên tắc bất di bất dịch là không để doanh nghiệp tự định giá. Bản thân các nước đã vận hành theo cơ chế thị trường họ cũng vậy, còn độc quyền mặt hàng nào là còn định giá với nhiều dạng như chuẩn mức giá, giá trần, giá sàn hay khung giá”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, doanh nghiệp hiện nay cứ báo lỗ nhưng không ai kiểm chứng. Và nghịch lý nằm ở chỗ: giá thế giới tăng là ngay lập tức doanh nghiệp kêu lỗ, xin tăng giá nhưng khi giá thế giới giảm lại chần chừ, viện đủ lý do như còn hàng tồn kho giá cao để không chịu giảm giá. Thêm đó, cuối năm thì báo cáo lãi, nhất là khi chuẩn bị lên sàn chứng khoán.

Bên cạnh đó, theo ông Long, cơ cấu tính giá cơ sở hiện nay vẫn chưa minh bạch, nhất là các yếu tố biến động như giá CIF của hàng từ Singapore. “Cần kiểm toán giá xăng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bởi các tổ chức độc lập để có những thông tin trung thực cũng như tính hợp lý của giá xăng”, ông Long nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online