Để thúc đẩy thanh toán điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thanh toán điện tử vẫn yếu thế

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20%, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương) quy mô thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD. Như vậy, có thể thấy, thương mại điện tử trong nước đang có sự tăng trưởng khá nhanh thời gian gần đây.

Cùng với đó, hạ tầng công nghệ TTĐT của nước ta cũng khá tốt, với 6 tổ chức đã được cấp phép thực hiện dịch vụ Banknetvn, VNPay, M_Service, BankPay, Vietnam Online, VietUnion; 38 ngân hàng thương mại đã tham gia phối hợp triển khai dịch vụ ví điện tử. Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường đạt xấp xỉ 69 triệu; trong đó, 6,25 triệu thẻ thanh toán quốc tế. Hiện có 67 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet Banking) và 37 ngân hàng thương mại cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (Mobile Banking),…

Tuy nhiên, từ khâu thanh toán cho thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ TTĐT đối với người mua hàng vẫn còn khá nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán còn thấp, chỉ đạt 16% và chưa có dấu hiệu tăng lên. Hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ được 4% số doanh nghiệp sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng; phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt.

Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù có sự tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây, nhưng TTĐT ở Việt Nam vẫn đang ở dạng tiềm năng, kém xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên phải kể đến là do thói quen thanh toán tiền mặt, nhất là sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với TTĐT cùng với môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ; các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ TTĐT còn hạn chế là rào cản cho phát triển dịch vụ TTĐT.

Cần lực đẩy mạnh mẽ hơn

TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương khẳng định, TTĐT với những ưu thế vượt trội đang trở thành xu hướng của thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ TTĐT ở Việt Nam theo kịp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới việc hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, với tỷ lệ dân số trẻ khá cao trong tổng số dân hơn 91 triệu người cùng mức thu nhập được cải thiện; tỷ lệ dân số sử dụng Internet ngày càng tăng (năm 2014 là 42%, đã tăng lên 45% vào 2015); tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao và tiếp tục tăng (năm 2014 là 55%, năm 2015 là 59%)… Việt Nam đã có nền tảng cho phát triển dịch vụ TTĐT. Và xu hướng tăng trưởng của nhu cầu sử dụng thiết bị di động cũng là lợi thế cho phát triển thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho phát triển TTĐT – Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương cho biết. Khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người dân và giới doanh nghiệp vào hệ thống TTĐT nói riêng, hệ thống thanh toán quốc gia nói chung.

Mặt khác, cùng với việc tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin TTĐT, yếu tố không thể thiếu là đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để TTĐT trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ TTĐT.

Nghiên cứu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và trên cơ sở thực tiễn phát triển của thương mại điện tử và TTĐT ở Việt Nam, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần nhận thức rõ vai trò quan trọng, quyết định của Chính phủ đối với phát triển dịch vụ TTĐT của quốc gia. Không chỉ là đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và pháp lý, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ TTĐT, Chính phủ cũng là cơ quan tiên phong áp dụng TTĐT trong các giao dịch… Kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia có dịch vụ TTĐT phát triển nhất châu Á cho thấy, một trong những nhân tố dẫn tới thành công là nhờ Chính phủ đi đầu, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và áp dụng TTĐT trong các giao dịch của chính mình.  

Mai Phương
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử