Để tâm dịch sớm bình yên 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Liên tiếp những ngày qua, TP. Hồ Chí Minh “nóng” vì bão dịch Covid-19 hoành hành, đảo lộn cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng “nóng” bởi biết bao trái tim nhiệt huyết trên cả nước đang cùng nhau hướng về tâm dịch để tập trung lực lượng cho cuộc chiến chống Covid-19 có thể coi là lớn nhất từ trước đến nay.

Đợt dịch lần thứ 4 này, tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có gần 170.000 ca nhiễm, với số người tử vong lên đến hơn 6.000 người. Những con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên nếu như chúng ta không có biện pháp cứng rắn hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Trong cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, chúng ta chuyển sang phòng, chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận phường, xã. Theo đó, đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã phường tại TP. Hồ Chí Minh theo mức nguy cơ “xanh, đỏ, vàng” để giữ vững, mở rộng các xã phường “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP. Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại thành phố thực sự là 312 “pháo đài” phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không biết bao cuộc chi viện đầy xúc động của các “chiến sĩ áo trắng” cho các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Họ đi vào tâm dịch với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, trong đó có cả những sinh viên, những y, bác sĩ đã về hưu làm đơn để tình nguyện đi vào điểm “nóng”. Dù họ biết điểm đến có thể có những rủi ro luôn ở phía trước đối với mình. Nhưng mệnh lệnh từ trái tim đã thôi thúc họ lên đường với mục đích và niềm tin lớn nhất là đẩy lùi đại dịch.

Để kịp thời chi viện cho tâm dịch phía Nam, quân đội đã sẵn sàng lực lượng cho công tác phòng, chống dịch. Mới đây, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Hàng không về việc vận chuyển lực lượng cán bộ, nhân viên quân y chi viện phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Cục Vận tải đề nghị Cục Hàng không phối hợp vận chuyển cán bộ, nhân viên quân y, lực lượng phục vụ, chống dịch từ sân bay Nội Bài vào sân bay Tân Sơn Nhất với quân số khoảng 1.000 quân nhân. Trong khi đó, Cục Quân Y cũng có công văn gửi Học viện Quân y đề nghị huy động 300 bác sĩ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. 300 bác sĩ, học viên sẽ chia thành các tổ sẵn sàng lên đường khi có lệnh.

Không chỉ có quân đội, để hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch, lực lượng công an đã sẵn sàng chi viện. Ngay ngày hôm qua, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an đã tăng cường 37 cán bộ, chiến sĩ từ Hà Nội vào làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào TP. Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, trong những ngày tới, sẽ có nhiều tỉnh, thành khác của cả nước tiếp tục chi viện nhân lực y tế cho các tỉnh miền Nam và cho TP. Hồ Chí Minh.

Sự đồng lòng chia sẻ, tinh thần đoàn kết, sự phối hợp của các lực lượng lúc này rất quan trọng, tạo sức mạnh để giúp các địa phương kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, để TP. Hồ Chí Minh thực hiện được chiến lược “mỗi xã, phường là một pháo đài”, để tâm dịch sớm bình yên, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có phương án chi tiết về cơ sở vật chất, chăm sóc y tế cho người dân tại nhà, phương án tiếp nhận, phân phối lương thực đến tận gia đình bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân nơi tâm dịch.

Từ ngày mai, 23.8 TP. Hồ Chí Minh thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là những người lao động nghèo. Do đó, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch chúng ta triển khai hiệu quả hơn chính sách an sinh. Bởi chỉ khi cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được bảo đảm thì người dân sẽ an tâm, đồng lòng “ai ở đâu ở yên đó”. Chống dịch và bảo đảm an sinh phải luôn song hành. Muốn vậy, phải có kế hoạch, phương án dự liệu thật chi tiết cho tất cả các khâu: y tế, an sinh… trước khi bước vào “trận đánh lớn” để chiến thắng Covid-19 lần này.