Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp từ Bộ Công Thương bị bác
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.


Trả lời đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng đối với tín dụng thương mại, theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ thuộc chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước và việc điều hành chính sách lãi suất thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, thống nhất tập trung cho tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng cho hàng xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động như đề nghị của Bộ Công thương.

Trong khi đó, vẫn theo Bộ Tài chính, chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đã được quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Theo nghị định này, các mặt hàng, nhóm mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng xuất khẩu của nhà nước. Bộ Tài chính đã công bố mức lãi suất cho vay hiện nay đang áp dụng cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 11,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,6%/năm. Mức lãi suất này được xem là thấp hơn lãi suất thị trường thể hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện.

Một nội dung khác được Bộ Công Thương đề xuất là việc cho phép các đơn vị có nguồn thu ngoại tệ được vay vốn bằng ngoại tệ để giảm chi phí lãi vay, vì hiện nay lãi vay bằng tiền đồng cao hơn so với lãi vay bằng ngoại tệ, trong khi tỷ giá về cơ bản đã ổn định.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam. Do đó, việc cho vay bằng ngoại tệ được thực hiện bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với hợp đồng xuất khẩu có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu mà nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

Về lâu dài, Bộ Tài chính thấy cần nghiên cứu giảm việc cho vay bằng ngoại tệ, không phải chỉ có Ngân hàng Phát triển Việt Nam mà toàn hệ thống tín dụng, để khắc phục tình trạng Đô la hóa. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bằng VND hiện cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ là phù hợp, vì khi cho vay bằng ngoại tệ ít chịu rủi ro tỷ giá, còn lãi suất bằng VND lại phải căn cứ vào mặt bằng lãi suất thị trường nói chung.

“Mặc dù tỷ giá hiện nay tương đối ổn định, song khi thiết kế lãi suất phải tính đến rủi ro về tỷ giá trong dài hạn”, văn bản của Bộ Tài chính viết.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt, giảm lãi suất tín dụng đầu tư xuống dưới 10% vì cho rằng với lãi suất tín dụng đầu tư hiện tại thì các dự án đầu tư cơ khí trọng điểm không có hiệu quả (hiện nay là 11,4%/năm).

Bộ Tài chính cho rằng đối với cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, ngày 5/5/2009, Bộ đã có công văn số 6333/BTC-TCNH gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Theo công văn này, các dự án thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi sẽ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay theo quy định về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, mức vốn cho vay của từng dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, nhưng tối đa không quá 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó.

“Nguồn vốn tín dụng đầu tư dành cho chương trình này nằm trong tổng thể nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai, thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Về lãi suất được áp dụng theo mức lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước nói chung. Mức lãi suất 11,4 % hiện nay là thấp, không nên giảm hơn nữa, tạo ra bao cấp từ Ngân sách Nhà nước và dễ gây tiêu cực”, Bộ Tài chính giải thích.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam