Dệt may ‘khát’ đơn hàng xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đơn hàng nhỏ giọt

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện các DN thuộc Vinatex cơ bản có đơn hàng đến hết quý 3 năm nay.

Tuy nhiên, năm 2012, xu thế chung của các nhà nhập khẩu là đặt những đơn hàng ngắn hơn, và phải giao hàng gấp hơn thay vì đặt đơn hàng trước cả 6 tháng hay 1 năm như trước đây.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Phạm Xuân Hồng, xác nhận: Đơn hàng của phần lớn DN trong ngành chỉ có đến hết tháng 8. Năm nay, sức tiêu thụ hàng dệt may của các thị trường chính như EU, Mỹ và Nhật Bản đều giảm sút, nên các nhà nhập khẩu đặt hàng cầm chừng, nhỏ giọt và bán tới đâu đặt hàng tới đó.

So cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng giảm 20-30% và giảm đều đặn từ đầu năm. Phần lớn đơn hàng có được tập trung vào các DN lớn, có năng lực. Đơn hàng của những DN nhỏ sẽ giảm mạnh.

Về giá cả, ông Hồng cho biết, không chỉ DN nhỏ, ngay cả những DN lớn cũng phải chịu sức ép rất lớn về giá và buộc phải giảm ít nhất 5-10% đơn giá sản phẩm. Vì khó khăn, các DN nhỏ buộc phải co cụm, chỉ còn khoảng 50% năng lực sản xuất.

Theo ông Hồng, nhanh nhất phải đến cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay, tình hình đơn hàng mới có khả năng phục hồi, vì vào thời điểm đó, một mặt, các nhà nhập khẩu giải phóng hết hàng tồn kho, mặt khác, chuẩn bị cho mùa đông và mùa xuân – hè 2013. Tuy nhiên, khả năng phục hồi vẫn ở mức thấp.

Ông Lê Tiến Trường cũng nhìn nhận, trong 6 tháng cuối năm, thị trường châu Âu chưa có khả năng phục hồi rõ ràng, nên các DN chỉ chuyên thị trường này sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng không thể tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng cao như mọi năm. Các DN cảnh báo, với tình hình sản xuất như hiện nay, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục giảm những tháng tới.

“Chạy ăn” từng bữa

Sau một thời gian cố gắng cầm cự, hai tháng qua, chị Nguyễn Trọng Thi, công nhân của một xí nghiệp chuyên may trang phục lót xuất khẩu tại khu công nghiệp Tân Bình (TPHCM), đã phải dứt áo ra đi tìm việc làm ở nơi khác.

Chị Thi cho biết, lúc đầu, mỗi tuần nghỉ 1 ngày (trừ Chủ nhật) vì không có đủ việc làm, sau đó số ngày nghỉ tăng dần lên, có khi đến 4 ngày/tuần. Việc phải nghỉ làm nhiều ngày đã ảnh hưởng không ít đến thu nhập và đời sống, nhất là với một lao động nhập cư như chị.

Không riêng chị Thi, nhiều công nhân khác cũng phải bỏ xí nghiệp, tìm nơi làm việc mới để mong có việc làm và thu nhập ổn định.

Đối với các DN, cơ sở sản xuất nhỏ, việc duy trì đơn hàng là hết sức khó khăn.

Ông Lê Hữu Tùng, chủ một cơ sở chuyên may gia công quần jeans và túi xách xuất khẩu tại quận Tân Phú, cho biết: Từ đầu năm, đơn hàng nhỏ giọt nên công nhân hôm làm hôm nghỉ. Vì nản, nhiều công nhân xin nghỉ về quê tìm việc. Khi có việc lại thì không có công nhân có tay nghề cao nên cơ sở cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, không phát triển nổi.

Nhiều DN dệt may đang phải đối mặt tình trạng năng suất giảm. Giám đốc một DN may xuất khẩu tại quận Thủ Đức nói: “Việc chọn sinh con năm rồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động, hoạt động sản xuất của DN”.

Ông dẫn chứng, tại một xí nghiệp có 6 tổ với khoảng 50 người/tổ, nhưng số lượng lao động nữ đang và chuẩn bị nghỉ thai sản tương đương số lượng công nhân của một tổ. Theo vị giám đốc này, DN không sợ thiếu người nhưng sợ năng suất sẽ giảm.

                   Đại Dương

Gần 40 dự án ngưng hoạt động

Ngày 25-6, Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2012, có 90 dự án phải tạm ngưng hoạt động, giảm công suất hoặc thanh lý dự án trước thời hạn, do gặp khó khăn về vốn, không có đơn hàng sản xuất, khó khăn về thị trường tiêu thụ…, trong đó có 28 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cụ thể, có 30 dự án ngưng hoạt động, 45 dự án giảm công suất, 8 dự án tạm ngưng hoạt động. Tính đến ngày 10-6, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tại các KCX – KCN trên địa bàn là 202,3 triệu USD, chỉ đạt 40,5% kế hoạch năm 2012, giảm trên 38% so với cùng kỳ 2011.

Phạm Lê Thư

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử