Dệt may và da giày: Vượt khó và về đích ấn tượng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dệt may trở thành mặt hàng xuất khẩu số một và da giày giữ vị trí thứ ba trong nhóm những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, sang năm 2012, nhiều khả năng các doanh nghiệp dệt may, da giày sẽ gặp nhiều khó khăn khi kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiểu rủi ro.

Theo Bộ Công Thương, năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may và da giày đã vượt 22 tỷ USD. Trong đó, ngành dệt may chiếm 14 tỷ USD, tăng trên 25% so với năm trước; ngành da giày đạt 7,8 tỷ USD, tăng 25%.

Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng phát triển ấn tượng, với giá trị khoảng 1 tỷ USD hàng dệt may và da giày đạt khoảng 750 triệu USD, chiếm gần một nửa thị trường trong nước.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những tháng đầu năm 2011, ngành dệt may Việt Nam dồn dập nhận được đơn hàng từ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký hợp đồng đến hết quý 3 năm 2011, thậm chí hết năm, với các nhà nhập khẩu với lượng đặt hàng khá lớn.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, sở dĩ năm 2011 các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có được hợp đồng sớm là do tình trạng các nhà đặt hàng chuyển hướng đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều đáng nói là giá trị thặng dư của nhiều doanh nghiệp dệt may cũng tăng rất nhanh.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế lan rộng trong khu vực sử dụng đồng euro đã tác động đến thị trường xuất khẩu của ngành dệt may và da giày vì châu Âu là một trong những thị trường truyền thống của 2 ngành này.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá nguyên nhân chính khiến xuất khẩu dệt may đạt mức cao nhất trong 5 năm qua do đơn hàng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống là Mỹ, EU và Nhật Bản tăng trưởng cao.

Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 13%; EU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 25%; Nhật Bản đạt 1,65 tỷ USD, tăng 43%. Ngoài ra, giá xuất khẩu tăng cũng đóng góp trên 12% vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch.

Và bài học lớn nhất của ngành là công tác dự tính, dự báo, đánh giá các thị trường và từ đó mới có khả năng điều chỉnh, định hướng doanh nghiệp cho phù hợp.

Tiếp đến là tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các thỏa thuận song phương và đa phương mà chính phủ Việt Nam ký kết, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada…, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường chính.

Đơn cử như tại Hàn Quốc, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã tăng tới 109% và kim ngạch đạt 904 triệu USD trong năm qua.

Nhận thấy tầm quan trọng của thị trường hàng dệt may trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng đã tập trung đầu tư cho thị trường nội địa với chất lượng, mẫu mã, thiết kế, kênh phân phối, thương hiệu không ngừng được nâng cao, đem lại diện mạo mới cho hàng dệt may nội địa.

Trong đó phải kể đến một số thương hiệu như Grusz, Sanciaro, Mannhattan, F-House, Foci, Nino Maxx, Vera… đã tạo dựng được uy tín, chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa và được nhiều người tin dùng.

Năm 2012, theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sang những thị trường chính như Mỹ, EU không “dư dả” như trước, nhiều doanh nghiệp đã giảm sản xuất khoảng 15 – 20% so với năng lực sản xuất.

Để so sánh, có thể nhắc lại là ở thời điểm này của năm 2010, đơn hàng nhà nhập khẩu đã đặt doanh nghiệp sản xuất đến tháng 6/2011, nhưng năm nay các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình đàm phán, đơn hàng sản xuất chỉ có đến tháng 3/2012.

Năm 2012, toàn ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành dệt may cố gắng giảm các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao giá trị gia tăng của các đơn hàng xuất khẩu mà các doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu, từ nhập nguyên liệu, thiết kế mẫu đến tiêu thụ sản phẩm.

Với ngành da giày, sau 3 năm liên tiếp tăng trưởng chậm do ảnh hưởng suy yếu của các thị trường nhập khẩu chính và việc bị áp thuế chống phá giá ở thị trường châu Âu, xuất khẩu da giày đã hồi phục từ đầu năm 2011.

Hiện Liên minh châu Âu đã bỏ mức thuế 10% chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam. Trở lại thế cạnh tranh công bằng, ngành da giày Việt Nam có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu. Trong năm 2011, ngành da giày đạt tăng trưởng hàng tháng từ 20% trở lên.

Vượt qua việc áp thuế chống bán phá giá của EU, sự suy giảm của thị trường Mỹ, ngành da giày đã đạt được một kết quả đáng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (năm 2010 là 4,3 tỷ USD), đứng thứ ba sau dệt may và dầu khí; nằm trong “top 5” những nước xuất khẩu da – giày lớn nhất thế giới.

Đặc biệt lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu túi xách, vali, ô (dù), mũ đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 1,3 tỷ USD, tăng đến 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), nguyên nhân chính của sự tăng trưởng rất mạnh này là do đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều, đồng thời thị trường nhập khẩu chính là Mỹ đã tăng cường lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với trước. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nói trên sẽ tăng lên 1,5-1,8 tỷ USD trong năm 2012.

Ông Thuấn cho biết thêm, đến nay, các doanh nghiệp ngành da giày đã ký xong thỏa thuận hợp đồng đến quý 1 năm 2012.

Hiện các thị trường nhập khẩu chính da giày của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản… cơ bản vẫn giữ mặt bằng giá sản phẩm như mức của năm 2011.

Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm đặt hàng lại tập trung vào sản phẩm có giá trị cao khá nhiều. Với những diễn biến mới của thị trường thế giới, Lefaso dự báo, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong năm 2012 sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với túi xách, tăng khoảng 12%, dự kiến sẽ đạt khoảng 7,3 tỷ USD và túi xách, ví da tăng trưởng khoảng 15%, đạt khoảng 1,5 tỷ USD./.

Theo Vietnam+